Làng quê có hồn không? Và nếu có, thì hồn làng là cái gì? Tự nhiên trong tôi vang lên câu hỏi cũ xưa ấy khi gặp anh Trần Kim Long - Trưởng thôn Thọ Lương (xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), và nghe anh kể về ngôi đình làng Thượng Thọ của mình.
Ông Trịnh Hữu Sỹ (thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên Nhóm nhân sĩ Hà Đông kiểm tra các bản sắc phong trước khi trao về huyện Bình Lục (Hà Nam). (Ảnh: Hoàng Thu Phố).
Ngôi đình ấy các cụ trong xóm Thượng Thọ kể lại rằng, được xây dựng từ rất xa xưa, khoảng thế kỷ thứ 13 trên mảnh đất rất rộng. Dân trong làng thường gọi là đình chợ, vì gắn liền với phiên chợ họp hàng tháng xung quanh đình. Cũng theo các cụ kể lại, ngôi đình Thượng Thọ này trải qua nhiều lần tu sửa, đến khoảng thế kỷ 18 đình được tu sửa khang trang, to đẹp. Nhưng thời gian dâu bể. Như nhiều nơi khác, đình làng Thượng Thọ đã không còn giữ được như xưa. Năm 1987, tòa đình nội cuối cùng đã bị dỡ bỏ hoàn toàn. Chính từ đây, những sắc phong, thần phả của làng cũng đều bị thất lạc, duy chỉ còn giữ được một bát hương.
Nếu đình làng, chùa làng, giếng nước, cây đa, gốc gạo, cổng làng, hay những lũy tre xanh làm nên hồn cốt của làng Việt, để người ta nhắc nhớ thì sắc phong, tôi cứ tin rằng, nó như tấm căn cước của làng. Tấm căn cước ấy đã được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua, là văn bản danh nghĩa triều đình trung ương phong cho người hoặc thần một danh hiệu nào đó. Chính vì thế, ngoài giá trị lịch sử, sắc phong đã trở thành “vật thiêng” của nhiều làng quê, hay nói cách khác, đã trở thành di sản văn hóa tinh thần của nhiều cộng đồng dân cư. Sắc phong thường được các cụ coi sóc đình làng cất giữ cẩn thận trong hậu cung. Có nơi, cất giữ trong mấy lần hòm sắt, mấy lần khóa. Và vì quý giá, vì cũng được giới săn tìm cổ vật sưu tập, đổi trác, nên có không ít cuộc lấy trộm sắc phong. Bên cạnh không ít sắc phong bị mục nát do thời gian và chưa có biện pháp bảo quản tốt, thì việc kẻ gian lấy cắp sắc phong đã là tiếng chuông báo động ở nhiều ngôi làng. Những đạo sắc phong bị biến mất, khiến ngôi đình làng cũng như mất đi một vật thiêng, khiến hồn vía ngôi đình có phần hư hao, khiến lòng người trong làng có phần chênh chao.
May mắn thay, mấy năm nay, đi dọc đi ngang nhiều vùng, nhiều làng, thấy nhiều ngôi đình khang trang được tu sửa, tôn tạo, hoặc xây mới. Người dân đã không chỉ lo lắng cho cái ăn, cái mặc, cho nhà lầu xe hơi của mình, gia đình mình mà nhiều người đã nghĩ tới giữ lại hồn làng, nếp làng. Người nhiều, người ít công đức, cung tiến góp tiền sửa chùa, dựng đình. Có nơi, chung tay dựng ngôi đình mới người làng góp tới hàng chục tỷ đồng xây dựng. Rồi nhiều nơi còn dựng lại cổng làng, giữ giếng làng như một “bảo chứng” của hồn quê…
Thôn Thọ Lương của anh Long tôi kể ở phần đầu bài viết này cũng vừa khánh thành ngôi đình làng trên chính phần đất của đình Thượng Thọ xưa. Dấu xưa không còn, chỉ bằng tâm đức của người dân, của chính quyền địa phương, một ngôi đình khang trang đã được dựng lên sau hơn một năm xây cất. Nhưng để tìm lại những gì đã gắn với ngôi đình vốn tương truyền được xây dựng từ thế kỷ thứ 13 thì quả là không dễ chút nào. Vì thế, các cụ cao niên trong làng luôn đau đáu...
Trong khi đang loay hoay chưa biết phải bắt đầu từ đâu, thì một ngày nọ, trên mạng xã hội có chia sẻ danh sách những sắc phong đang được một nhón nhân sĩ, trí thức lưu giữ và có ý muốn dâng lại cho các địa phương. Đó là nhóm Nhân sỹ Hà Đông (Hà Nội). Hồi hộp đọc trong danh sách ấy, thấy có sắc phong đời vua Khải Định thứ 2 năm 1917 của đình Thượng Thọ. Còn gì mừng hơn? Vậy là anh Trần Kim Long cùng bàn bạc với các cụ cao niên trong làng, rồi viết đơn nhờ chính quyền xác nhận, các cụ trong Ban Khánh tiết của đình cũng cùng ký tên để gửi tới Nhóm Nhân sỹ Hà Đông với ước nguyện để “nhân dân chúng tôi nhận lại được sắc phong của đình được thuận lợi…”.
Cũng cần dừng lại đôi chút để nói về nơi, về người đang giữ những đạo sắc phong - những tấm căn cước của làng - đang muốn được dâng lại về cho địa phương. Ấy là ông Trịnh Hữu Sỹ - thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông (Hà Nội). Thời gian qua, từ tâm, ông Sỹ đã lặng lẽ sưu tầm được hơn 200 đạo sắc phong. Ông cho biết, các bản sắc phong này chủ yếu thuộc triều Nguyễn, một số thuộc thời Lê, xuất xứ từ nhiều huyện, quận thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội (gồm Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Chương Mỹ, Quốc Oai), Hà Nam (Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Vụ Bản, Kim Bảng, Duy Tiên), Nam Định (Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản), Thái Bình (Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương), Hải Phòng (Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Dương), Ninh Bình (Kim Sơn, Yên Mô), Bắc Ninh (Thuận Thành, Yên Phong), Hải Dương (Thanh Miện), Hưng Yên (Văn Giang, Tiên Lữ), Vĩnh Phúc (Yên Lãng), Thanh Hóa (Hậu Lộc, Hoằng Hóa), Thừa Thiên - Huế (Hương Trà). Các sắc phong có nội dung phong tặng thêm danh hiệu cho các vị thần được tôn thờ tại các địa phương, đồng thời giao cho các vị thần trách nhiệm chăm lo, bảo vệ dân lành. Không tường chữ cổ, ông cùng nhóm Nhân sỹ Hà Đông đã nhờ TS Trương Đức Quả - nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các bản sắc phong theo địa danh. Sau đó tiến hành các chuyến đi tìm kiếm các địa danh, các ngôi làng có tên trên sắc phong để liên hệ, với mong mỏi các sắc phong ấy sớm được hồi hương.
Nhưng ước muốn là một chuyện, thực tế lại không dễ chút nào. Bởi khi đã chi ra số tiền không nhỏ để mua sắc phong từ các nguồn trôi nổi rồi lại chi tiền nhờ người dịch, thì những địa danh hành chính khi xưa trải qua mấy trăm năm nay đã có sự biển đổi đáng kể. Không dễ để tìm. Nhiều chuyến tìm kiếm đã được các thành viên trong nhóm đứng ra tổ chức. Có khi thành, có khi bất thành. Đầu năm nay, nhóm muốn tiếp tục hành trình tìm đến một số địa phương để dâng trao sắc phong, nhưng lại vướng đại dịch Covid-19. Vậy là nhóm đã nảy ra ý tưởng công bố thông tin trên mạng xã hội để lan tỏa đến các địa phương…
Trở lại với câu chuyện của anh Trần Kim Long và nhóm các cụ cao niên đi tìm sắc phong của đình làng Thượng Thọ. Một buổi sáng tháng 5 nắng lửa oi nồng, những người đàn ông của vùng đất Bình Lục (Hà Nam) quê hương của cụ Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến vượt đường xa tìm về làng Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) hỏi nhà ông Trịnh Hữu Sỹ. Làng Đa Sỹ nổi tiếng với nghề làm dao kéo. Xưa vẫn thế và nay vẫn còn nhiều gia đình giữ lửa nghề. Đi qua chiếc cổng làng mới được tôn tạo, những cửa hàng bán dao kéo vẫn cho thấy chỉ dấu về một làng nghề truyền thống còn giữ được giữa thời buổi đô thị hóa nhanh chóng mặt. Bước vào nhà ông Trịnh Hữu Sỹ thấy cây cau giàn trầu trước sân, biết ngay chủ nhân là người nặng lòng với văn hóa dân tộc.
Chủ nhà cùng nhóm Nhân sỹ Hà Đông gồm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, doanh nhân Lê Phương Trung, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu đã có mặt. Họ cũng nóng lòng được gặp, được trò chuyện và được trao lại sắc phong để đưa về đình làng Thượng Thọ. Và không chỉ thế, lần này, nhóm còn trao thêm 14 sắc phong khác cho nhà thơ Nguyễn Thế Vinh để ông đại diện về trao cho các địa phương trong huyện Bình Lục đang đi tìm “căn cước” cho làng của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không giấu giếm: “Khi biết chúng tôi đang sở hữu hàng trăm bản sắc phong cổ có giá trị, nhiều người đã ngỏ ý mua lại. Nhưng chúng tôi không bán. Nếu chúng tôi bán, thì chắc cũng không ai nỡ trách chúng tôi, vì chúng tôi đã phải bỏ nhiều tiền để có được những sắc phong này. Nhưng nếu chúng tôi bán, thì chắc chắn các bậc tiền nhân sẽ trách chúng tôi, đời sống này sẽ trách móc chúng tôi. Chính vì thế, thông qua việc trao lại sắc phong cho những ngôi làng bị mất, chúng tôi có một niềm tin mơ hồ nhưng mạnh mẽ, văn hóa của những ngôi làng đang tìm thấy những vẻ đẹp, đang được gìn giữ và tôn vinh”.
Còn đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức thì bảo, chúng ta cũng không nên trách việc để mất các sắc phong, hay những kẻ trộn sắc phong từ những nơi linh thiêng như đình làng. Sự mất mát ấy nó là lời cảnh báo cho sự suy vi của một vùng đất, một ngôi làng; còn việc tìm lại được sắc phong, hay những ngôi đình được khôi phục, nó cho thấy sự hưng thịnh đang trở lại với người dân, với vùng quê ấy.