Cách đây chưa lâu, phát biểu tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng năm 2023 phải là năm làm sống lại các công viên. Thành phố sẽ tìm mô hình đầu tư để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng.
Thực sự thì đã quá lâu rồi các công viên của Hà Nội gần như bị bỏ không, ít người lui tới mà cũng rất ít được đầu tư. Đã thế lại còn bán vé, nên các công viên ở Hà Nội đã vô tình bị cô lập phía sau hàng rào.
Hà Nội hiện có 4 công viên do thành phố quản lý, gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình. Từ cuối năm 2021 thành phố đã có kế hoạch đầu tư cải tạo các công viên này nhưng báo cáo mới đây của Sở Xây dựng cho thấy việc cải tạo gặp còn nhiều khó khăn.
Khoảng 40 công viên vườn hoa do cấp quận, huyện quản lý cũng sẽ được cải tạo trong giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng mới 9 công viên nhưng đến nay đều đang chậm tiến độ.
Người Hà Nội từng tự hào về hệ thống công viên, cây xanh. Nhưng rồi do không được quan tâm đầu tư, không tìm ra được phương thức đầu tư phù hợp và nhất là không nhận thức rõ tầm quan trọng của công viên cây xanh cũng như không gian công cộng trong lòng đô thị, nên công viên ngày càng teo tóp, buồn tẻ.
Nay, lãnh đạo thành phố một lần nữa quyết tâm “làm sống lại” công viên, bỏ hàng rào, chấm dứt việc bán vé vào cửa… được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, làm được tới đâu thì cũng cần có thời gian để kiểm chứng, hay như người ta thường nói là “giám sát lời hứa”.
Nhân câu chuyện công viên, lại nói về không gian công cộng ở Hà Nội. Có vẻ lại còn “nguy” hơn cả hệ thống công viên xuống cấp.
Tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số nhanh, nhiều khu nhà ở cao tầng mọc lên, hạ tầng giao thông nới rộng… nhưng không gian xanh, không gian công cộng kém nên cuộc sống của người dân đô thị phải đối diện với sự ngột ngạt. Theo cơ quan chức năng, khu vực nội đô nơi tập trung dân cư đông đúc nhưng đất được dùng làm không gian công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án thành phố Sống tốt (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho biết, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Thậm chí, theo thống kê tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng 13 vườn hoa, với diện tích chia theo đầu người thì mỗi người dân ở đây chỉ có khoảng 0,1m2.
Theo PGS Phạm Quỳnh Phương (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) thì không gian công cộng của Hà Nội đã ít lại còn đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị mới mọc lên trong khi diện tích đất dành cho mục đích công cộng không được chú trọng. Bên cạnh đó, không gian công cộng còn đang bị thương mại hóa, tư nhân hóa. Nhiều nơi không gian công cộng phải nhường chỗ cho những bãi đỗ xe hay việc mở rộng hạ tầng giao thông.
“Giành lại không gian công cộng và vận hành nó tốt trong thành phố thì phải có sự tham gia của cộng đồng, bởi chính quyền sẽ không thể lo hết. Cần phải có sự liên kết giữa những nhà quản lý đô thị với các doanh nghiệp để tạo nên nhiều hơn các không gian công cộng cho người dân” - PGS Phương nhấn mạnh.
Phát triển không gian công cộng cũng chính là nâng chất lượng sống, là hành động vì con người. Hơn lúc nào hết khi thành phố ngột ngạt với các khối bê tông, mật độ dân số quá đông, lượng xe cộ tham gia giao thông dày đặc… thì không gian công cộng như cây xanh, công viên, vườn hoa, sông hồ, mặt nước... cần phải được đầu tư chăm sóc. Nhân đây, xin được nêu lại một thực tế: ao hồ tại Hà Nội đã và đang biến mất do bị san lấp, lấn chiếm để làm dự án.
Hơn 10 năm trước, Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam - Bắc Từ Liêm, Tây Hồ là những vùng có nhiều ao, hồ. Nhưng rồi do nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng cao khiến ao hồ là một trong những mục tiêu lấn chiếm, san lấp.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội là 7.031.845 m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305 m2.
Từ đó đến nay, không gian công cộng tại Hà Nội không khá lên. Đó thật là điều lo ngại mà muốn thay đổi thì cần phải có một cách nhìn, một tấm lòng, bớt đi những toan tính thực dụng nhìn đâu cũng thấy dự án, nhìn đâu cũng ra tiền. Nếu vẫn cách hành xử như vậy thì công viên vườn hoa, các khu không gian công cộng của đô thị sẽ ngày thêm tàn tạ mà thôi.