Những khoản vay vài trăm triệu đồng vẫn thường xuyên phải đánh đổi bằng những căn nhà hàng tỷ đồng. Còn những người đi vay và gia đình thì phải “ra đường”.
Mẹ anh Tuấn đã khóc hết nước mắt khi biết căn nhà ông bà để lại bị thế chấp.
"Không biết sống như thế nào nữa" là câu nói thường trực của những con người trong gia đình anh Vũ Anh Tuấn khi nhìn vào ống kính máy quay. Mẹ anh khóc. Vợ anh khóc. Mắt anh Tuấn lúc nào cũng đỏ ngầu, không phải vì khóc, mà vì ngày nào anh cũng nhìn chăm chú vào những mối hàn kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng người thợ chăm chỉ ấy có thể sẽ không có một kết cục tốt đẹp: căn nhà của anh đã bị "tín dụng đen" thế chấp ngân hàng sau một khoản vay 135 triệu đồng.
Cách đây vài năm, khi cần vốn làm ăn, đầu tư sản xuất cửa nhựa, nghe lời khuyên của người xung quanh, anh Tuấn đã thơ ngây đến vay một "công ty" trên đường Nguyễn Chí Thanh 135 triệu. Lãi suất là 5 nghìn đồng/triệu/ngày. Người thợ xây dựng tự tin rằng mình sẽ trả được số tiền ấy trong một thời gian ngắn, sau 1-2 công trình.
Cái "công ty" ở Nguyễn Chí Thanh kia được điều khiển bởi một nhân vật tự xưng là "chị Yến". Tiền được giải ngân rất nhanh. Anh Tuấn cũng dùng số vốn ấy tập trung làm ăn để trả nợ cho "chị Yến".
Nhưng rồi một ngày định mệnh, anh Tuấn vẫn nhớ, là ngày 22/1/2014, anh tìm đến chỗ "công ty của chị Yến" để trả lãi, thì phát hiện ra rằng công ty ấy đã biến mất. Không còn biển hiệu, không còn văn phòng. Anh chết đứng trước cửa "công ty" ấy nửa tiếng đồng hồ: khi vay, vì ngây thơ, anh đã công chứng sang nhượng căn nhà mình đang ở, với trị giá hàng tỷ đồng, cho "chị Yến", với danh nghĩa là để "đảm bảo nghĩa vụ trả lãi".
Chân dung anh Tuấn.
Sau một thời gian ngắn, ngân hàng đến làm việc và cho anh biết rằng căn nhà của anh đã bị thế chấp.
Sự ngây thơ thái quá của những người như anh Tuấn, trong bối cảnh đang cần rất gấp một khoản tiền vì nhiều lý do, tưởng là dị biệt - nhưng thật ra chúng không hề hiếm.
Những khoản vay vài trăm triệu đồng vẫn thường xuyên phải đánh đổi bằng những căn nhà hàng tỷ đồng.
Ông Vũ Duy Hà, đã lớn tuổi, khuôn mặt nhăn lại vì sầu não và dáng người gù gập xuống, lúc nào cũng cầm trên tay một bộ hồ sơ dầy. Ông đã vay 200 triệu đồng để mở một quán cà phê, nhưng rồi cũng giống như anh Tuấn, khi cái kẻ cho vay ấy biến mất, ông cũng phát hiện ra rằng mảnh đất 50 mét vuông ở Nghi Tàm mà cha mẹ để lại, trị giá gần 10 tỷ đồng, đã nằm trong ngân hàng.
Hành vi lừa đảo của những kẻ cho vay không thế chấp đã liên tục diễn ra trong suốt những năm qua. Người bị hại không chỉ là những con người "không còn biết sống thế nào nữa"; mà còn là chính các ngân hàng. Họ không đơn giản chỉ là cầm cuốn sổ đỏ trong tay và đến cưỡng chế ngôi nhà đã bị lừa kia, mà gần như không thể hoàn tất thủ tục để lấy tài sản thế chấp, bởi kẻ thế chấp kia đã biến mất.
Khắp nơi, trên các bức tường thành phố, trên cột điện, treo đầy các tờ rơi quảng cáo "Cho vay không thế chấp". Và người ta có quyền tự hỏi rằng đằng sau những cơ hội tài chính hoang đường ấy, là bao nhiêu tội phạm?
Tiếc rằng hình thức "tín dụng đen", dù đã nhận được sự quan tâm của nhiều ngành, trong đó có cả cơ quan công an, cho đến hôm nay vẫn chưa thực sự tìm ra lời giải cho các bị hại. Mẹ họ, vợ họ vẫn ăn những bát cơm chan nước mắt, khi không biết ngày mai mình sẽ đi đâu về đâu.
Anh Tuấn bây giờ hỏi đến chuyện của mình chỉ cười. Hỏi anh tại sao đi làm thợ hàn mà không đeo kính vào, để mắt đỏ ngầu, anh cũng chỉ cười. Nếu không cười, anh cũng không biết phải làm gì. Cơ sở pháp lý để anh quay trở lại cuộc sống bình thường, là con số 0.
Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển - thành viên của Liên hiệp hội KH&KT Việt Nam đang thực hiện thu thập các trường hợp "mắc bẫy" của tín dụng đen trên khắp Việt Nam để làm cơ sở trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét về khả năng "gỡ bẫy" về mặt pháp lý cho những người này. Nếu bạn là nạn nhân, hoặc có người thân đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, xin điền vào bản khảo sát: http://goo.gl/forms/qYcp47LSO4