Mới đây, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, tôm hùm, cá biển nuôi tại khu vực Đám Đàn (phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) chết hàng loạt. Trước đó tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, An Giang cũng xuất hiện tình trạng này. Vậy nguyên nhân do đâu?
Tôm, cá bị chết với các loại kích cỡ khác nhau. Ngay sau khi phát hiện tôm, cá bị chết, người nuôi trong khu vực đã tiến hành biện pháp nâng lồng lên tầng nước trên. Ông Nguyễn Văn Lâm - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên cho biết, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, diễn biến tình hình tôm, cá chết xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột; tôm, cá chết không có các dấu hiệu bệnh lý.
Được biết, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất nước với 58.700 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm với sản lượng mỗi năm đạt 1.050 tấn. Số hộ tham gia nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã Sông Cầu là 4.852 hộ.
Không chỉ tại Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), thời gian qua nhiều vùng nuôi thả thủy sản, hải sản tại các địa phương khác cũng có hiện tượng cá chết đột ngột. Nhiều nguyên nhân đều được cơ quan hữu quan phân tích, kết luận tuy nhiên không vì thế mà người nuôi cá giảm bớt được thiệt hại.
Vào giữa tháng 7 vừa qua, cá tại hồ Khe Lang (nằm trên hai huyện Đức Thọ và Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cũng chết hàng loạt. Ông Trần Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đại diện đơn vị đã trực tiếp xuống đập Khe Lang nằm trên địa bàn hai huyện Đức Thọ và Can Lộc để lấy mẫu nước, mẫu cá nhằm phân tích tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt tại hồ này.
Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Nga (huyện Can Lộc) thì từ ngày 6 đến 15/7, tại đập Khe Lang nằm trên địa bàn xã này và xã An Dũng (huyện Đức Thọ) cá cũng chết hàng loạt mà không hiểu vì sao. Người dân phát hiện nhiều cá mè, cá diếc chết trôi vào hạ lưu cống xả của đập Khe Lang, rồi dạt vào bờ thuộc hai xã An Dũng, Thường Nga.
Trước đó, giữa tháng 5, trên sông Châu Đốc (tỉnh An Giang) cũng xảy ra hiện tượng cá chết. Theo Phòng TN&MT thành phố Châu Đốc, có hiện tượng cá nuôi thương phẩm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân ở các khóm Vĩnh Tân, Vĩnh Chánh 1, Vĩnh Chánh 2, phường Vĩnh Ngươn. Kết quả phân tích 17 chỉ tiêu lý hóa nước ở khu vực xã Vĩnh Hội Đông xác định có 6/17 thông số quan trắc chưa đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Còn kết quả phân tích 17 chỉ tiêu lý hóa nước ở khu vực phường Vĩnh Ngươn thì có 7/17 thông số quan trắc chưa đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Cũng trong tháng 5, tại đoạn kênh thoát nước thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đổ ra sông Bàu Giang, đoạn chảy qua thị xã La Hà và xã Nghĩa Trung cũng có hiện tượng cá chết hàng loạt. Đoàn kiểm tra của địa phương đã đến kiểm tra thực tế. Ồng Nguyễn Đình Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết, người dân cho rằng nguyên nhân do việc xả thải của cơ sở chế biến tinh bột mỳ thuộc doanh nghiệp tư nhân sản xuất Ngọc Hà (thôn An Hòa 1, xã Nghĩa Trung). Tại đoạn sông Bàu Giang (gần cơ sở chế biến tinh bột mỳ) có rất nhiều bã thải, bốc mùi hôi nồng nặc, nước sông xuất hiện hiện tượng sủi bọt và có màu nâu đục. Cá chết bất thường, nổi trắng, bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc và lo ngại.
Trước đó, vào năm 2020, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Quảng Ngãi) cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với doanh nghiệp tư nhân sản xuất Ngọc Hà về hành vi "không thu gom chất thải nguy hại theo quy định, để chất thải ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh".
Còn tại khu vực kênh Ba La (thuộc xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cũng từng có hiện tượng cá chết bất thường, mà nguyên nhân cũng được cho là do cơ sở sản xuất xả thải thẳng ra môi trường. Kênh Ba La dài khoảng 1,2km là nơi thoát nước thải đã qua xử lý từ Khu công nghiệp Tam Thăng, điểm cuối là sông Đầm. Theo người dân, khi chưa có khu công nghiệp bà con vẫn bắt cá dưới kênh làm thức ăn. Nhưng những năm gần đây, người dân không dám đánh bắt cá ở kênh vì sợ ô nhiễm. Tuy cơ quan chức năng không xác định cá chết là do việc xả thải của khu công nghiệp nhưng cũng không đưa ra được nguyên nhân rõ ràng, thuyết phục nên người dân vẫn cảm thấy bất an khi môi trường ô nhiễm.
Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, các cơ sở sản xuất lớn nhỏ thường xây dựng dọc theo hai bên bờ sông, để có thể xả thải dễ dàng. Nhiều cơ sở sản xuất đầu tư xử lý trước khi đổ ra môi trường, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp “trốn” đầu tư, xả trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sở dĩ điều đó vẫn tồn tại là do cơ quan chức năng xử lý không nghiêm, chính quyền địa phương không sâu sát, đôi khi biết nhưng không hiểu vì lý do gì lại bỏ qua. Chính vì thế đã gây thiệt hại cho người nuôi thả cá, làm chết cá trong môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, khiến người dân bức xúc.
Theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng 2 hình thức xử phạt hành chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng có thời hạn với “giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả thải khí thải công nghiệp”. Còn tại khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự, tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà bị phạt tiền, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Phạt tiền: Từ 3 - 20 tỷ đồng; Tạm đình chỉ: Từ 6 tháng đến 3 năm; Đình chỉ vĩnh viễn khi việc xả thải gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.