Đi tìm nông sản sạch

Nhật Minh 02/01/2017 14:05

“Sạch” đáng lẽ phải là một khái niệm tất yếu dành cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thế nhưng, hiện khái niệm “sạch” lại khá xa xỉ, vì đi đâu, làm gì, người ta cũng chỉ toàn thấy rau bẩn, trái cây tẩm hóa chất, thịt lợn siêu nạc… Chính vì lẽ đó, nhu cầu sản xuất sạch, tiêu dùng sạch đã và đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Phải chăng, đó cũng là câu chuyện của năm 2017?

Rau sạch được người tiêu dùng tìm kiếm.

Nói “không” với thuốc trừ sâu, hóa chất

Một mô hình mới về việc trồng rau sạch, trong đó loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong quá trình sản xuất đã được đưa đến cho bà con nông dân hai xã Triệu Phong và Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị. Theo đó, được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand, Cơ quan Hợp Tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision), hơn 3 triệu đôla Mỹ là ngân sách chi cho dự án tại 2 huyện trên với 2 mục đích chính, đó là nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân nghèo trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch, bảo vệ đất và nguồn nước, loại bỏ các yếu tố gây ô nhiễm môi trường.

Chị Hoàng Thị Lan Hương, một nông dân ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên mới này, bà con nông dân chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ từ việc thu gom các phế phẩm nông nghiệp và phân chuồng, quá trình chăm sóc thì sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, phòng và trị sâu bệnh bằng nước gừng, ớt, tỏi.

“Tất cả các công đoạn này chúng tôi đều được các cán bộ tư vẫn kỹ càng, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất. Tất cả đều là sản phẩm từ thiên nhiên”- chị Hương cho hay. Theo chị Hương, bà con được hỗ trợ về vốn, tư vấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt và quan trọng hơn cả là đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để người nông dân yên tâm sản xuất, tránh được mối lo “được mùa rớt giá”.

Hiện ngoài huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Quỹ còn đầu tư hỗ trợ về vốn, giống, và bao tiêu cả đầu ra cho bà con nông dân huyện Triệu Phong. Với sự hỗ trợ này, gần 1,500 người nông dân hai huyện Hướng Hóa và Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị đã học và thực hành phương pháp canh tác tự nhiên nghiêm ngặt, đòi hỏi tuân thủ chính xác các yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là loại bỏ các sản phẩm hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học và chất bảo quản trong quy trình sản xuất.

Theo bà Trần Thu Huyền- Trưởng đại diện tổ chức World Vision tại Việt Nam, sắp tới sẽ có thêm khoảng 1.000 nông dân tham gia sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên để đưa thêm nhiều nông sản sạch vào thị trường, góp phần đẩy mạnh nguồn cung thực phẩm sạch và dần loại bỏ các yếu tố mất an toàn vệ sinh thực phẩm ra khỏi bữa ăn của mỗi người dân Việt Nam.

“Phát triển kinh tế bền vững cho hộ gia đình là chìa khóa để xóa nghèo và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Song song với đó, chú trọng sản xuất sạch cũng là yếu tố quyết định tính bền vững của nền nông nghiệp nước nhà. Để hiện thực hóa điều này, World Vision chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các chính phủ, cơ quan và doanh nghiệp nhằm thay thế hoạt động viện trợ truyền thống với hiệu quả ngắn hạn bằng việc cung cấp các công cụ, nguồn lực và liên kết thị trường cho hộ nông dân nghèo, hướng đến các tác động mang tính bền vững”- bà Huyền nêu quan điểm.

Hết thời thực phẩm bẩn

Phát triển kinh tế bền vững cho hộ gia đình là chìa khóa để xóa nghèo và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Song song với đó, chú trọng sản xuất sạch cũng là yếu tố quyết định tính bền vững của nền nông nghiệp nước nhà. Cùng đó là liên kết thị trường cho hộ nông dân nghèo, hướng đến các tác động mang tính bền vững - theo bà Trần Thu Huyền, Trưởng đại diện tổ chức World Vision tại Việt Nam.

Một mô hình “sạch” khác cũng đang được thực hiện tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Vân Nội là địa phương nổi tiếng về trồng các loại rau củ quả, là “thủ phủ” chuyên cung cấp các loại rau sạch về trung tâm thủ đô Hà Nội. Mô hình trồng rau sạch của địa phương này cũng có nhiều điều đáng để học hỏi.

Theo đó, xã Vân Nội có 18 hợp tác xã (HTX) và mỗi HTX đều giữ một vai trò, nhiệm vụ riêng. Trong đó 6 HTX sẽ chuyên đảm nhận các khâu đầu vào cho quá trình sản xuất rau an toàn như cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nguồn nước tưới. Số HTX còn lại, được thành lập từ những nhóm hộ nông dân chuyên đảm nhiệm tìm đầu ra cho sản phẩm. 12 HTX này có liên hệ chặt chẽ với các công ty tiêu thụ nông sản trên địa bàn và những vùng khác, bảo đảm sản phẩm rau an toàn của Vân Nội đưa ra thị trường bao nhiêu sẽ được tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Trên cả một thửa đất rộng với những luống rau su hào xanh mướt đang chuẩn bị cho thu hoạch, anh Ngọc Tình, xã Vân Nội cho biết, trước đây, các hộ làm nông nghiệp thường sản xuất nhỏ lẻ, rau làm ra thường mang đi bán tại các chợ quanh địa bàn hoặc đưa vào nội thành tiêu thụ. Người tiêu dùng thường cho rằng, rau ngoài chợ không phải rau an toàn nên giá cả bấp bênh, cuộc sống của người nông dân vô cùng khó khăn.

Thế nhưng, theo chia sẻ của anh Tình, từ năm 2015, nhận thấy hiệu quả từ mô hình sản xuất của các HTX sản xuất rau sạch, gia đình anh làm đơn xin tham gia. Nếu trước đây, từ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mình đều mua trôi nổi trên thị trường và việc phun thuốc cũng như chăm sóc cây trồng đều chỉ dựa vào kinh nghiệm thì nay mọi thứ đã khác. Từ làm đất, bón phân, phun thuốc đến nguồn nước tưới đều theo một quy chuẩn mà HTX đã đề ra.

Được biết, các HTX tại Vân Nội đều chủ động thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các đầu mối lớn về khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, như: Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Viện Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội nên cả đầu vào và đầu ra đều được đảm bảo an toàn.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng ngàn mô hình sản xuất sạch đã và đang hình thành ở Việt Nam. Điều này là xu hướng tất yếu trong bối cảnh, vấn nạn thực phẩm bẩn đang ngày càng trở nên đáng báo động và đang từng ngày, từng giờ đe dọa tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.
Từ tháng 9-2016, một DN lớn trong giới “đại gia”- Tập đoàn Vingroup cũng đã tham gia vào “cuộc cách mạng” thực phẩm xanh bằng chương trình liên kết với 1.000 hợp tác xã và nông dân để sản xuất các loại nông sản “sạch” phục vụ người tiêu dùng Việt.

Theo ông Lê Khắc Hiệp- Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, ngoài các loại rau quả thiết yếu, Vingroup sẽ liên kết với nông dân sản xuất nhiều loại trái cây đặc sản của các vùng miền. Tập đoàn sẽ hỗ trợ vốn để nâng cấp thiết bị, công nghệ và các kỹ thuật sản xuất mới để tạo cho bà con nông dân thói quen sản xuất sạch.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, các hợp tác xã và nông dân sản xuất theo mô hình của Vingroup sẽ được đầu tư khoảng 300 tỉ đồng trong năm đầu tiên. Đặc biệt, Tập đoàn cũng đang triển khai sản xuất 2.000ha rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước như: Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng... “Tất cả các loại rau củ quả khi vào đến hệ thống siêu thị VinEco đều được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, phân phối bằng quy trình khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị”- ông Hiệp cho hay.

Như vậy, có thể thấy, từ nhà sản xuất nhỏ cho đến các DN lớn đều đang rất quan tâm đến thị trường nông sản sạch. Và đây chính là xu hướng tất yếu của một xã hội nếu như muốn phát triển ổn định và bền vững. Với những diễn biến đó, dư luận xã hội kỳ vọng, năm 2017 sẽ là năm thực phẩm sạch “lên ngôi”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chỉ có sản xuất sạch mới có thể đưa nền nông nghiệp nước nhà- trụ đỡ của nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. “Sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn là quy luật tất yếu của cả thế giới. Nếu DN nào, nhà sản xuất nào đi ngược lại với quy luật đó có nghĩ họ tự đào thải mình khỏi thị trường”- bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi tìm nông sản sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO