Đi trong rừng thủy tùng Ea Ran

NGUYỄN TRỌNG VĂN 24/08/2023 05:38

Lần lên Đắk Lắk vừa rồi, trong buổi làm việc tại UBND huyện Ea H’Leo, chúng tôi được các cán bộ cho hay: “Huyện có nhiều cái hay nhưng hay nhất là có cây thủy tùng”. Nghe giới thiệu, tôi dứt khoát đề nghị được mục sở thị loài cây quý hiếm này.

Đường tuần tra trong khu rừng.

Và chúng tôi được bố trí một buổi về thăm xã Ea Ran, đây là một trong những địa phương hiện còn giống cây đặc biệt được gọi là cây "thông nước” tức cây thủy tùng.

Anh Nguyễn Huy Dũng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea H’Leo lúc ngồi trên xe đã tranh thủ thông tin: “Đây là loài cây khá gần với nhiều loài cây dạng thông khác, do đó nhiều người bị nhầm lẫn hay bị lừa khi mua phải sản phẩm từ gỗ thông chứ không phải gỗ thủy tùng.

Đối tượng làm hàng giả đã sang bên Lào mua gỗ thông đỏ đem về chế tác, vì thông đỏ khá giống thủy tùng, người ta còn chế tác vẽ thêm vân cho giống vân gỗ thủy tùng xịn, chỉ có giới chuyên môn mới có thể dễ dàng phát hiện ra thật, giả”. Nhưng anh Dũng cũng lưu ý, giá thành gỗ thủy tùng rất đắt và mua bán loại gỗ này là vi phạm pháp luật. Cách đây vài năm có nhóm người đem cưa máy vào rừng thủy tùng Ea Ran cưa trộm đã lĩnh án 1 năm tù.

Mải mê nghe chuyện chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới rừng. Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà cấp bốn với dòng chữ trên tấm bảng được gắn vào tường ngôi nhà: Sở NN PTNT Đắk Lắk. Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước.

Người ra đón đoàn chúng tôi là cô Nguyễn Thị Hảo - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Ea H’Leo. Cô Hảo nói: "Khu bảo tồn này trực thuộc Sở. Huyện chúng em chỉ là địa bàn thôi". Tôi hỏi thêm: “Có nghĩa là khu bảo tồn này do tỉnh quản lý?”. Cô Hảo gật đầu rồi chỉ tay sang cậu thanh niên bên cạnh: “Đây là anh Phạm Thanh Tuấn - Trưởng trạm bảo vệ khu bảo tồn”.

Tôi khoát tay chỉ vào khu rừng xanh um cây lá hỏi anh Tuấn: “Cả khu rừng này dều là cây thủy tùng à?”. Anh Phạm Thanh Tuấn cho hay: “Khu rừng đầm lầy nguyên sinh này rộng 4ha, ở bên hồ Ea Ran nhưng cây thông nước hay cây thủy tùng như các anh gọi hiện chỉ có 142 cây. Cây thông nước mọc chung trong rừng với nhiều loại cây khác”.

Thấy tôi đang tần ngần vì nghe khu rừng này hiện chỉ có 142 cây thông nước nên cô Hảo thêm vào: “Hơn một trăm cây là nhiều lắm rồi các anh. Hiện tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 3 huyện là còn có được giống cây thông nước này. Huyện Ea H’Leo có nhiều nhất với 142 cây. Huyện Krông Năng có 19 cây và thị xã Buôn Hồ chỉ có đúng 1 cây”.

Đúng là hiếm thật, vì như vậy cả Tây Nguyên chỉ có 162 cây. Chính vì lý do số cây chỉ còn ít và vô cùng quý hiếm nên tỉnh Đắk Lắk từ nhiều năm nay đã tiến hành bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Trạm bảo vệ Khu bảo tồn sinh cảnh thông nước được đặt ngay tại cửa rừng với 15 thành viên cho công tác bảo vệ bảo tồn.

Anh Phạm Thanh Tuấn về trạm công tác đã tròn 10 năm cũng là một minh chứng cho thấy việc bảo vệ bảo tồn sinh cảnh thông nước đã duy trì khá lâu. Anh chàng trưởng trạm tuy đã 33 tuổi những vẫn “phòng không” chứng tỏ công việc bảo vệ rừng không có phút thảnh thơi bởi “lơ là một chút là “lâm tặc” mò tới cưa trộm ngay”- anh Tuấn cười cho biết lý do thay cho câu trả lời tôi rằng “kén kỹ quá hay sao mà chưa lấy vợ?”.

Cây thông nước trong khu bảo tồn.

Ngay dưới chân trạm bảo vệ là con đường dẫn vào rừng, vì giống cây thông nước này mọc ở đầm lầy (đây cũng là điểm khác so với các dạng thông. Cây thông thường mọc ở nơi cao khô ráo hay ở xứ thời tiết thấp và lạnh. Khi đó thông nước lại sống ở nơi ẩm ướt hoặc dưới nước) nên đường dẫn vào rừng được thiết kế phù hợp.

Đó là những tấm gỗ ván được ghép với nhau và được đặt trên những chiếc thùng phuy bằng nhựa, kiểu như bắc cầu phao vậy. Do đó việc tuần tra được thuận tiện. Con đường rộng 80cm chạy thành một vòng tròn khép kín bao quanh khu vực cây thông nước sinh sống. Thêm nữa, thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp những ngọn đèn điện sáng suốt ngày và chốc chốc lại thấy một chốt gác có mái che lợp tôn và được bao cũng bằng tôn.

Anh Phạm Thanh Tuấn cho biết: Chúng tôi tuần tra 24/24 bởi nếu mất cây nào là mất cây đó. Nghe là lạ nên hỏi lại: “Sao không nhân giống cho thủy tùng?” Bấy giờ anh Nguyễn Huy Dũng, người luôn đi bên chúng tôi cho hay: “Cây thông nước hay cây thủy tùng hiện là loại cây “vô sinh” các anh ạ. Do vậy cây bị sâu mục hay bị cưa trộm là không có cơ hội làm lại. Cây này hiện được đặt trong “nguy cơ tiệt chủng”, do đó việc chặt hạ là tuyệt đối cấm”.

Được biết cây thủy tùng hay cây thông nước là thứ cây có cách đây hàng triệu năm. Loại cây thuộc chi Glyptostrobus. Theo các nhà khoa học thì đây là một chi nhỏ của các loài cây lá kim trong họ Cupressaceae. Chi Glyptostrobus pensilis, có nguồn gốc từ vùng cận nhiệt đới đông nam Trung Quốc, từ Tây Phúc Kiến đến Đông Nam Vân Nam.

Ở miền Bắc Việt Nam và tỉnh Borikhamxai của miền Đông Lào cũng có. Trải qua thời gian nhất là vào thời kỳ cách đây hàng trăm triệu năm khi các loài thực vật đầm lầy bị chết do tác động của nhiệt và áp lực địa chất nên giống thông nước cũng theo đó mà hóa thành than đá. Những cây thông nước hiện còn ở nước ta và một số nước khác là những cây đã “sống sót” được qua thời kỳ biến động đó, nhưng số lượng đang giảm dần do giống cây này “vô sinh”. Việc bảo tồn như hiện nay là cố gắng không để cây bị sâu mục hay bị đốn hạ.

Tôi quay sang nhà văn Cầm Sơn, thành viên trong đoàn chúng tôi và là người có mấy chục năm công tác trong ngành lâm nghiệp: “Các bác từng nhân giống và truyền giống nhiều loại cây, kể cả cây quý hiếm, vậy có cách nào cứu cây thông nước này không?”. Ông nhà văn “trồng rừng” không trả lời tôi ngay mà ông kéo tay anh Phạm Thanh Tuấn hỏi: “Ở đây các anh đã làm những cách gì rồi?”.

Anh Phạm Thanh Tuấn cho hay: “Nghiên cứu bảo tồn cây thông nước đang là một đề tài khoa học của Đại học Tây Nguyên. Các nhà khoa học lâm sinh đã nhiều lần về đây tiến hành thử nghiệm các phương pháp. Hiện kết quả vẫn còn là trông đợi”.

Tôi ngước mắt nhìn lên cây thông nước được đánh số 80, đây là cây có tuổi đời chừng mấy trăm năm, trên cây thấp thoáng vài chùm hoa nên nói luôn: “Cây ra hoa thì sẽ có hạt. Hạt rụng xuống thì sẽ có cây mới mọc lên chứ?”. Anh Phạm Thanh Tuấn chia sẻ: “Cây ra hoa ra hạt thế thôi nhưng hạt đó đều không nảy mầm. Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều lần ở nhiều vị trí nhưng đều thất bại. Trước mắt thì chỉ có một cách là bảo vệ bảo tồn thôi”.

Con đường đi trong rừng chợt như ngắn lại. Chúng tôi đã quay lại cửa rừng. Một lần nữa tôi lại ngước mắt trong lên tán lá kim màu xanh đậm đang lao xao dưới nắng và gió, trong lòng thoáng chút buồn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi trong rừng thủy tùng Ea Ran

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO