Ngày càng nhiều kiều bào về nước đầu tư kinh doanh. Tính đến thời điểm hiện tại có gần 3.000 dự án với tổng số vốn hơn 3 tỷ USD được đầu tư ở 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những dự án đó đã mang lại giá trị kinh tế lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong nước. Bằng những kinh nghiệm về khởi nghiệp, tri thức về khoa học và sản xuất, kinh doanh - bà con Việt kiều tự hào vì đang đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Ông Francis Văn Hội (giữa) trở về Việt Nam mở trường đào tạo nghề quản lý nhà hàng khách sạn miễn phí cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM.
Những con số ý nghĩa
Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây chính là nguồn lực tiềm năng đối với kinh tế của Việt Nam khi kiều bào tăng cường đầu tư về nước. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, bà con kiều bào không chỉ thể hiện vị thế chính trị, kinh tế ở nước sở tại mà còn đóng góp lượng kiều hối không nhỏ và nguồn tri thức để xây dựng và phát triển quê hương.
Hiện nay, có 4 giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài - những người đã thành danh trong các trường Đại học, các viện nghiên cứu của Mỹ, Pháp, Singapore, Nhật Bản tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 2.000 kiều bào đầu tư về Việt Nam với tổng số vốn hơn 3 tỉ USD. Kiều hối chuyển về nước trong năm 2017 đạt khoảng 13,8 tỉ USD (tăng 16% so với năm 2016 và là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây), vượt qua mọi dự báo của các chuyên gia kinh tế. Đặc biệt, khoảng 60% kiều hối gửi về được đầu tư vào sản xuất kinh doanh, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo bà Đặng Thị Thu Hà - Phụ trách Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện tại có khoảng 400.000 trí thức kiều bào, tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Họ là những nhà khoa học, chuyên gia, trí thức làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, các công ty xuyên quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế. Những năm gần đây, hàng trăm trí thức Việt Nam đã từ nước ngoài trở về làm việc, tham gia nghiên cứu và cống hiến cho đất nước. Lực lượng này cũng thường xuyên quan tâm tới những vấn đề kinh tế- xã hội quan trọng của đất nước như các dự án năng lượng sạch, điện nguyên tử và vấn đề khởi nghiệp.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua tiếp tục được MTTQ Việt Nam triển khai sâu rộng. Các ý kiến phản ánh, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Mặt trận lắng nghe, tập hợp, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất giải quyết. “Năm 2018, MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ và phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đối tác của Mặt trận ở các nước để vận động chính quyền các nước quan tâm hơn và tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào ta ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội ở nước sở tại. Mặt trận cũng sẽ kiến nghị Đảng và Nhà nước có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm thu hút, tạo điều kiện để thế hệ trẻ kiều bào ở nước ngoài trở về khởi nghiệp ở quê hương, góp phần xây dựng đất nước”, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu gồm 90 kiều bào tiêu biểu trên toàn thế giới dự Chương trình Xuân Quê hương 2018.
Những tấm lòng hướng về quê hương
Mong muốn được đóng góp cho quê hương, nhiều kiều bào đã lựa chọn quay trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Bằng những vốn kiến thức tích lũy sau nhiều năm sống và học tập tại các nước phát triển, kiều bào chính là những người đem công nghệ tiên tiến và hiện đại về ứng dụng tại các doanh nghiệp của mình tại Việt Nam, để tạo ra những giá trị cao cho thị trường trong nước.
Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều Philippines - một doanh nhân, chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư khi thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương. Từ năm 1996, Công ty đã đầu tư, hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng số vốn hơn 280 triệu USD. Những dự án này mang lại doanh số hằng năm khoảng 460 triệu USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động ở Việt Nam.
Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ rằng, ông rất tự hào vì Việt kiều luôn được trân trọng, đặt vào vị trí quan trọng trong chính sách chung. Bản thân ông đã làm được những điều mình mơ ước, tự mình đầu tư trên quê hương không hề có sự phân biệt nào.
Ông Nguyễn Công Chính - một kỹ sư ngành kính học tập và sinh sống nhiều năm tại CHLB Đức. Thành công ở nước ngoài nhưng ông luôn mong muốn được mang về quê hương những sản phẩm kính chất lượng đạt tiêu chuẩn của châu Âu. Và ông đã trở về Việt Nam khởi nghiệp bằng việc lập công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nhôm kính cao cấp. Không chỉ đặt mục tiêu đáp ứng được nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, ông còn tham vọng xuất khẩu ngược trở lại các sản phẩm nhôm kính tới các nước phát triển.
Còn theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai, Việt kiều sống tại Bratislava - thủ đô Slovakia thì những năm gần đây, bà thường xuyên về Việt Nam, vừa để đầu tư kinh doanh tại quê hương vừa để gần gũi gia đình. Bà Mai cùng một số người bạn ở Slovakia đã góp vốn đầu tư lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội, Bắc Giang. Theo bà, chính sách thu hút kiều bào đầu tư về Việt Nam đã cởi mở hơn nhiều so với trước đây. Chính vì vậy, Việt kiều từ các nước trên thế giới thời gian qua tăng cường tìm hiểu những chính sách, các lĩnh vực kinh doanh tiềm năng của Việt Nam. Nhiều Việt kiều trở về thăm quê hương tận mắt chứng kiến sự chuyển biến của một Việt Nam phát triển năng động, tích cực và mong muốn được chung sức đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Tại TP HCM hiện có hơn 900 doanh nghiệp có vốn của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư với tổng số vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD. Thành phố cũng có hơn 120 dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào, với tổng vốn 260 triệu USD được phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài. Các dự án của kiều bào tập trung vào các lĩnh vực như đầu tư xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, trung tâm thương mại… |