Tối 29/1, tại Khu di tích địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho khu di tích đã được tổ chức. Lễ đón nhận được tổ chức vào đúng ngày diễn ra lễ hội thành Xương Giang, kỷ niệm 592 năm chiến thắng Xương Giang.
Tại Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng các di tích Quốc gia đặc biệt, Khu di tích địa điểm chiến thắng Xương Giang là 1 trong 7 di tích được công nhận.
Địa điểm Chiến thắng Xương Giang gắn với hai lần chiến thắng có giá trị to lớn trong cuộc kháng chiến của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự đô hộ của giặc Minh xâm lược. Lần thứ nhất: Sau khoảng 30 trận đọ sức kéo dài 6 tháng, ngày 28/9/1427, quân ta hạ được thành Xương Giang. Lần thứ hai: Sau chiến thắng Cần Trạm, Phố Cát đến tháng 11/1427, quân Minh kéo 10 vạn quân sang tiếp viện phải đóng quân trước cánh đồng Xương Giang bị quân Lam Sơn chốt chặn, bao vây tiêu diệt lực lượng lớn gần 7 vạn quân địch, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch cứu viện của quân Minh, giáng một đòn quyết định buộc Vương Thông ở Đông Quan phải xin hoà, giành lại độc lập trọn vẹn cho Đại Việt. Đại thắng Xương Giang giữ vai trò quyết định tới việc kết thúc chiến tranh: Quân dân Đại Việt giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước được giải phóng, âm mưu đồng hóa văn hóa của nhà Minh đối với Đại Việt đã hoàn toàn thất bại, mở ra bước ngoặt mới của thời kỳ độc lập, hưng thịnh kéo dài gần 4 thế kỷ trong lịch sử dân tộc.
Nói về chiến thắng Xương Giang chống quân Minh xâm lược, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy”. Còn trong Bình Ngô Đại cáo, Nguyễn Trãi viết:
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ
Cũng tại buổi lễ này, UBND tỉnh Bắc Giang đã khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2020.