Bộ Nội vụ cho biết, hiện các địa phương đã đẩy mạnh việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã theo hướng giảm số lượng ĐVHC đồng thời tăng quy mô diện tích tự nhiên, dân số của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư tại các ĐVHC này đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể.
Sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, sẽ thực hiện sắp xếp đối với 8 ĐVHC cấp xã (4 phường, 4 xã) không đủ 50% cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.
Cụ thể, các phường, xã không đủ tiêu chí theo quy định phải sắp xếp, gồm: Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng), Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà (huyện Phúc Thọ), Thụy Phú (huyện Phú Xuyên). Các xã liên quan sẽ sáp nhập với các xã không đủ tiêu chí theo quy định, gồm: Sen Chiểu, Xuân Phú, Vân Nam (huyện Phúc Thọ), Văn Nhân (huyện Phú Xuyên).
Theo phương án sắp xếp, quận Hai Bà Trưng sẽ sáp nhập phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và một phần diện tích tự nhiên, dân số của phường Ngô Thì Nhậm (mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214); sáp nhập phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm (trừ mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214) với phường Phạm Đình Hổ.
Tại huyện Phúc Thọ, sẽ sáp nhập xã Phương Độ với xã Sen Chiểu; sáp nhập xã Cẩm Đình với xã Xuân Phú; sáp nhập xã Vân Hà với xã Vân Nam. Tại huyện Phú Xuyên, sáp nhập xã Thụy Phú với xã Văn Nhân.
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, sắp xếp ĐVHC cấp xã cũng gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã nhằm tổ chức hợp lý các ĐVHC, đúng với tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Chính phủ; phù hợp thực tiễn, khả năng quản lý của chính quyền cơ sở.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã bảo đảm chặt chẽ, có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng; bảo đảm ổn định chính trị xã hội, không gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của nhân dân; bảo đảm đúng trình tự, thủ tục và hồ sơ theo quy định pháp luật. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC sẽ giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, người lao động có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp bảo đảm đúng số lượng quy định.
Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết: Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã nhận được phương án tổng thể của 44/46 tỉnh, thành phố (TP) trực thuộc trung ương, chỉ có 2 đơn vị chưa gửi là TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến với các phương án, đến nay đã có 19 tỉnh, TP gửi đề án chi tiết và Bộ đã tổ chức thẩm định cho 12 tỉnh (những ngày tới tiếp tục tổ chức thẩm định cho 7 tỉnh còn lại). Đồng thời, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề án của 2 tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa.
Liên quan đến việc tổ chức sắp xếp cán bộ dôi dư trong quá trình sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, ông Thành cho biết các địa phương đều gặp khó khăn. Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương để có giải pháp tháo gỡ và một trong số các giải pháp là giảm dần biên chế theo lộ trình 5 năm, thực hiện chính sách hỗ trợ cho những người thôi việc bằng tiền ngân sách địa phương.
Theo Bộ Nội vụ, số lượng ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp sẽ giảm là 556 đơn vị, trong đó có những tỉnh giảm nhiều như: Thanh Hóa giảm 76/635 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,97%), Hòa Bình giảm 59/210 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 28,09%), Phú Thọ giảm 52/277 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 18,77%), Hà Tĩnh giảm 46/262 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 17,56%), Cao Bằng giảm 40/199 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 20,10%), Hải Dương giảm 30/264 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,36%), Lạng Sơn giảm 26/226 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 11,50%), Quảng Trị giảm 17/141 ĐVHC cấp xã (tỷ lệ giảm 12,06%)…