Đã có 3 năm thực hiện Quyết định 09/2013/QĐ-TTg và 2 năm triển khai làm thử việc đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các tỉnh Cà Mau, Điện Biên, Thái Bình, Quảng Bình và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ còn khá mới mẻ, nên việc triển khai gặp không ít thách thức.
Đây là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại hội thảo tập huấn về xây dựng xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và góp ý dự thảo sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ, do Bộ Tư pháp và Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 2-8.
Ngày 3/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2013 quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (sau đây viết tắt là Quyết định 09) với nhiều giải pháp quan trọng để bảo đảm quyền được nhận thông tin pháp luật, quyền tiếp cận pháp luật và sử dụng pháp luật để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng cấp xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vai trò quan trọng đối với quản lý Nhà nước và quản lý xã hội.
Theo đó, xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giúp chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành để có giải pháp khắc phục, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, qua thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật, các tổ chức, cá nhân sẽ được bảo đảm quyền của mình như: thực hiện đúng pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo; được giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn thông qua hòa giải cơ sở; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và phát huy dân chủ cơ sở…
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn không ít những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ việc bố trí đủ ngân sách thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật... đến việc chậm công khai các thủ tục hành chính.
Các chỉ tiêu này đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc tính điểm, tuy nhiên lại “lỗi” không thuộc về UBND cấp xã, nhất là việc bố trí nguồn ngân sách, để thực hiện các chỉ tiêu cần phải có ngân sách để tiến hành, nếu cấp trên chưa bố trí ngân sách, UBND xã lại không có nguồn ngân sách thì không thể triển khai.
Nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ còn khá mới mẻ, có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, chính vì vậy để quy định trên đi vào đời sống cần phải được đặt trong tổng thể với việc thực hiện đồng bộ, thống nhất với các nhiệm vụ chính sách khác.
Song song với các giải pháp trên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các thiết chế được giao nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và bộ máy bảo đảm thực hiện các thiết chế pháp luật; bố trí đủ nguồn lực kinh phí, cơ sở vật chất gắn với trách nhiệm xây dựng địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật.