Quốc tế

Địa phương hóa viện trợ nhân đạo

Hà Anh 09/05/2024 13:07

Khi hệ thống nhân đạo của thế giới đang gặp khủng hoảng, nhiều tổ chức phi chính phủ đã nhận ra các tổ chức từ thiện địa phương có thể mang lại nhiều lợi ích với chi phí thấp hơn.

anhbaitren(2).jpg
Trẻ em phải di dời vì bạo lực ở Ethiopia nhận đồ quyên góp ở Mekelle - thủ phủ vùng Tigray. Nguồn: AFP.

Hệ thống viện trợ tương lai

Trước khi cuộc nội chiến nhấn chìm thành phố Tigray của Ethiopia vào năm 2020, Tsega Girma là một thương nhân giàu có chuyên bán văn phòng phẩm và các hàng hóa khác. Nhưng khi những đứa trẻ đói khát phải di dời do xung đột bắt đầu xuất hiện trên đường phố, cô đã bán tất cả mọi thứ và dùng số tiền thu được để mua thức ăn cho chúng.

Sau khi số tiền đó cạn kiệt, Tsega đã kêu gọi cộng đồng người Tigray ở hải ngoại quyên góp. Vào thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh, Quỹ từ thiện Emahoy Tsega Girma của cô đã cung cấp bữa ăn cho 24.000 trẻ em mỗi ngày. Hiện nay, hơn 1 năm sau khi xung đột kết thúc, quỹ vẫn nuôi sống 5.000 trẻ em không thể trở về nhà vì tình trạng bất an kéo dài.

Các tổ chức từ thiện như của Tsega do các cá nhân thành lập là hình thức nhân đạo lâu đời. Tuy nhiên, chúng cũng đang được coi là tương lai của một hệ thống viện trợ đang quá tải và thiếu vốn, phải dựa vào các tổ chức quốc tế và các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) để xây dựng và thực hiện các chương trình.

Trong sách trắng mang tính bước ngoặt gần đây về phát triển, Bộ Ngoại giao Anh (FCDO) cho biết, họ sẽ cung cấp viện trợ cho các nước nghèo càng nhiều càng tốt thông qua các thể chế và tổ chức địa phương.

Cam kết “địa phương hóa” viện trợ không phải hoàn toàn mới. Năm 2016, một hội nghị của LHQ gồm 9.000 đại biểu đã tập trung tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để khiến việc cung cấp viện trợ nhân đạo trở nên bền vững và hiệu quả. Một trong những kết quả quan trọng mà hội nghị đạt được là cam kết phân bổ 25% kinh phí cho “những người ứng phó ở địa phương và quốc gia” vào năm 2020.

Ý tưởng địa phương hóa viện trợ đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn trong đại dịch Covid-19, khi các cơ quan viện trợ dựa nhiều vào các đối tác địa phương vì hạn chế đi lại. Bà Amy Croome - cố vấn chính sách nhân đạo chuyên về địa phương hóa tại Oxfam cho biết: “Chỉ vài năm trước thôi, địa phương hóa là một ý tưởng điên rồ. Bây giờ nó hoàn toàn là xu hướng chủ đạo”.

Cần sự phối hợp giữa các tổ chức

Dù vậy, hiện nay mới chỉ có 2,1% số tiền tài trợ được chuyển đến các tổ chức địa phương theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, theo công ty tư vấn nghiên cứu Development Initiatives.

Việc thiếu tiền cho các nhóm viện trợ địa phương một phần là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài trợ mà hệ thống nhân đạo phải đối mặt. Năm ngoái, LHQ chỉ nhận được 43% số tiền kêu gọi để giúp đỡ những người gặp khó khăn - mức thiếu hụt lớn nhất từ trước đến nay. Nguồn vốn đang cạn kiệt khi nhu cầu mở rộng mạnh mẽ do xung đột và biến đổi khí hậu.

Cũng có những lo ngại về tình trạng tham nhũng tại các tổ chức nhỏ không được kiểm toán và giám sát chặt chẽ. Một cố vấn nhân đạo tại FCDO cho biết, họ không có đủ nhân lực để tài trợ trực tiếp cho các tổ chức phi chính phủ địa phương vì sẽ cần rất nhiều công đoạn thẩm định để theo dõi tiền của người nộp thuế. Vị cố vấn này cho rằng sẽ hiệu quả hơn nhiều khi cấp vốn cho một tổ chức phi chính phủ quốc tế và giao trách nhiệm cho họ thay vì thiết lập các thỏa thuận tài trợ với nhiều tổ chức phi chính phủ địa phương.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) có các quy định cấm cấp quỹ nhân đạo cho các nhóm có trụ sở bên ngoài khối. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ địa phương thường tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với các tổ chức quốc tế dựa vào nhân viên nước ngoài được trả lương cao, bà Juliet Donna Eyokia từ tổ chức Trao quyền cho cộng đồng vì phát triển nông thôn - một nhà cung cấp các chương trình y tế, giáo dục và nhân đạo ở Uganda, cho biết .

Ví dụ, một nhân viên cứu trợ phương Tây ở Addis Ababa - thủ đô của Ethiopia nhận được tới 2.000 USD mỗi tháng ngoài tiền lương chỉ để chi tiêu cho nhà ở. Theo bà Eyokia, chỉ riêng số tiền đó đã có thể trả lương cho 4 hoặc 5 nhân viên của tổ chức phi chính phủ địa phương.

Bà Eyokia lập luận rằng: “Các tổ chức phi chính phủ quốc tế thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cộng đồng bị ảnh hưởng, trong khi chúng tôi là một phần của cộng đồng mà chúng tôi phục vụ”.

Điều này đặc biệt phù hợp ở các quốc gia như Chad, Afghanistan và Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các nhóm viện trợ được thành lập để đối phó với các cuộc khủng hoảng ngắn hạn phải hoạt động trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, điều hành các dịch vụ của chính phủ như y tế và giáo dục.

Ông Paul Spiegel tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Chúng tôi cần các cơ quan của LHQ và các tổ chức phi chính phủ lớn lùi lại phía sau và đảm bảo các tổ chức phi chính phủ trong nước có đủ năng lực ứng phó”.

Bà Sameena Gul - người đứng đầu bộ phận địa phương hóa của tổ chức toàn cầu HelpAge International cho biết, có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ quốc tế đang điều hành các chương trình nhân đạo, nhưng sẽ tốt hơn nếu có các tổ chức phi chính phủ địa phương cùng điều hành các chương trình này. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Oxfam vẫn có vai trò trong hệ thống viện trợ địa phương. Điều này sẽ liên quan đến việc gây quỹ, cung cấp chuyên môn kỹ thuật cho các cơ quan viện trợ địa phương và vận động chính phủ thay đổi chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Địa phương hóa viện trợ nhân đạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO