Dịch bạch hầu đang bùng phát và lan rộng ở các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ trong vòng ba ngày, Gia Lai ghi nhận 10 ca nhiễm, trong đó một người tử vong. Tỉnh Đăk Nông ghi nhận 16 ca, trong đó hai ca tử vong. Kon Tum ghi nhận 11 ca, TPHCM ghi nhận 1 ca…
Như vậy, đến chiều 5/7, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 10 ca bệnh bạch hầu, trong đó có một ca tử vong. Bệnh nhân tử vong là Vung (sinh năm 2016), trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Chiều 5/7, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, trong tổng số 26 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhi Vung chuyển Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm cho kết quả 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu.
Trước đó, ngày 28/6, cháu Vung cùng mẹ đến tỉnh Kon Tum thăm người thân, đã có dấu hiệu sốt, ho, đau họng. Gia đình tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ. Ngày 3/7, người nhà đưa bệnh nhân đến khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa, được chẩn đoán áp xe amidan thành họng. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến, tiếp tục theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai trong tình trạng viêm họng, amidan, thanh quản giả mạc, viêm phổi. Các bác sĩ đã tích cực cứu chữa nhưng tình trạng bệnh rất nặng, chuyển biến xấu, bệnh nhân phải thở máy. Đến sáng 5/7, bệnh nhân đã tử vong.
Hiện nay ngành Y tế tỉnh Gia Lai đang phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu. Phun bề mặt tại gia đình bệnh nhân tử vong và các hộ xung quanh trong bán kính 200m bằng hóa chất Cloramin B 0,5%; tổ chức khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: Dọn vệ sinh nhà cửa, khu vực xung quanh nhà và vệ sinh cá nhân.
Tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc bệnh để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.
Thành lập chốt kiểm dịch tại khu vực cửa ngõ ra vào làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Điều tra đối tượng chưa được tiêm, tiêm chưa đủ mũi, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, lập kế hoạch tổ chức tiêm vét vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.
Ngoài Gia Lai, ngành y tế tỉnh Kon Tum đã ghi nhận tổng cộng 11 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, và 9 trường hợp mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh. Tại tỉnh Đắk Nông cũng có thêm 3 ca bệnh bạch hầu được ghi nhận ở huyện Krông Nô và huyện Đăk G’long, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 15, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, ngành y tế Đắk Lắk cũng đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu có thể bùng phát và lây lan ra cộng đồng.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trước nguy cơ bệnh bạch hầu có thể bùng phát tại tỉnh Đắk Lắk, ngành y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ trẻ em từ 7 tuổi trở xuống tại huyện Lắk – địa bàn giáp với huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) - nơi đã có 9 ca dương tính với bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong.
Do người dân huyện Lắk và huyện Đắk G’long thường xuyên giao thương nên ngành y tế Đắk Lắk cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lắk phối hợp với chính quyền các xã tăng cường kiểm soát, giám sát người dân hai huyện trong giao thương để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và xử lý y tế kịp thời.
Dự kiến từ tháng 9 - 10/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk sẽ rà soát để tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em toàn tỉnh nhằm tăng miễn dịch trong cộng đồng để giảm nguy cơ bùng phát bệnh bạch hầu.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cũng cung cấp vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiêm cho hơn 200 bác sĩ, nhân viên y tế tham gia tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân bạch hầu và các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
“Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Người có khả năng miễn dịch thấp dễ bị bệnh hơn. Thông thường trẻ em từ 1 đến 10 tuổi dễ mắc bệnh nhiều nhất do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang.
Dịch bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn phát tán ra xung quanh theo đường không khí và lây bệnh cho người lành. Ngoài ra tiếp xúc qua da khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng này lan rộng lấp đầy đường hô hấp khiến bệnh nhân ngạt thở…” (theo Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Bảo, Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)