Khi dịch bệnh kéo dài và còn phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng sẽ xuất hiện đợt giảm giá mới khi giá nhà, đất được đẩy lên quá cao trong thời gian qua.
Về nhận định này, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bấ động sản cho rằng, dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, thị trường bất động sản đang ở trang thái "tạm lắng có kiểm soát". Các nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường đã chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho đợt dịch lần này, và nắm bắt tình hình thị trường bất động sản giảm khối lượng giao dịch.
“Theo quan sát, đợt dịch lần này thị trường không diễn ra việc giảm giá bán ồ ạt. Có chăng, xảy ra ở phân khúc trên 20 tỉ đồng, một số nhà đầu tư chưa bán ra được thì chấp nhận giảm 3-5%. Tuy nhiên, mức giảm này trên cơ sở người mua phải đi thương lượng trực tiếp chứ trên giá rao cũng không giảm”, ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đã phân tích 5 yếu tố ảnh hưởng đến giá bất động sản, từ đó cho thấy, bất động sản khó giảm giá bởi chi phí đầu vào không giảm đi, thậm chí tăng lên.
Theo ông Phúc, đối với các doanh nghiệp bất động sản, yếu tố để cấu thành giá bán cơ bản bao gồm 5 yếu tố: Chi phí đất – Chi phí xây dựng – Chi phí lãi vay – Chi phí quản lý, vận hành doanh nghiệp – Lợi nhuận kỳ vọng.
Theo ông Phúc, trong 5 yếu tố trên thì giá đất và giá xây dựng chiếm tỷ lệ nhiều nhất (khoảng 70%) để cấu thành giá bán. Hai yêu tố này cũng điều doanh nghiệp khó chủ động điều tiết được và luôn tăng theo thời gian thì việc giảm giá bất động sản là điều rất khó.
“Đây cũng là lý do cho câu hỏi vì sao giá bất động sản luôn có xu hướng tăng mà khó giảm”, ông Phúc nhìn nhận.
Khi được hỏi về việc xuất hiện đợt rao bán ồ ạt bất động sản trên các sàn môi giới trên mạng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện tượng nhiều mẩu tin đăng bán tháo bất động sản do ảnh hưởng của dịch bệnh hiện chưa có dữ liệu báo cáo cụ thể.
Ông Đính phân tích, bản chất của việc bán tháo bất động sản sẽ xảy ra vì áp lực về tài chính, đặc biệt các dự án bất động sản có sử dụng đòn bẩy vay vốn ngân hàng hoặc một số tổ chức tài chính khác . Theo báo cáo của hệ thống ngân hàng thì nợ về tín dụng trong bất động sản cao, từ đó tôi khẳng định trên thị trường có rất nhiều người sử dụng đòn bẩy tín dụng. Trong bối cảnh dịch covid 19 diễn biến phức tạp, thị trường không có giao dịch thì áp lực trả lãi là rất lớn.
Tuy nhiên, ông Đính khẳng định, sẽ không xuất hiện đợt bán tháo trên diện rộng xảy ra ở tất cả phân khúc. “Vì hiện tại thị trường đang đóng băng nên sẽ không có dữ liệu giao dịch chính xác. Căn cứ vào các thông tin thị trường trước dịch bệnh lần thứ 4 thì tôi tin rằng sẽ không việc bán tháo diễn ra.”, ông Đính nói.