Sau dịch Covid-19, nhiều dịch bệnh bùng phát mạnh như sốt xuất huyết, cúm A, cúm B… gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, những dịch bệnh trên đã dần được kiểm soát, nhưng theo đánh giá từ cơ quan y tế, các dịch bệnh khác cũng đang có những diễn biến phức tạp.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Y tế, chỉ tính riêng với Covid-19, đến nay cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc và trên 43.000 trường hợp tử vong. Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9,7 triệu ca mắc. Trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện nhiều biến thể phụ của Omicron.
Nguy cơ lây lan cao
Năm 2022, cả nước ghi nhận trên 371.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 144 trường hợp tử vong. So với năm 2021, số ca mắc tăng hơn 5 lần, tử vong tăng 5,3 lần. Số ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2022 cao hơn số ca mắc trung bình năm các giai đoạn trước. Đồng thời, nước ta cũng ghi nhận 2 ca mắc đậu mùa khỉ là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 1 trường hợp dương tính với cúm A.
Bộ Y tế nhận định, trong nước, tình hình dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Qua 3 năm dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn. Số trẻ em chưa tiêm chủng còn cao, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vaccine có nguy cơ gia tăng. Mặt khác, sốt xuất huyết cũng có khả năng gia tăng với dự báo mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao và nguy cơ xâm nhập của tuýp virus. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước.
Đáng lưu ý, việc xuất hiện bệnh nhân nhiễm nấm đen sau dịch Covid-19, từ khoảng tháng 9/2022. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nấm đen là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, do nhóm nấm mốc có tên Mucormycetes gây ra. Bệnh thường ảnh hưởng đến xoang, mắt, phổi, da và não, nhất là trên những người có hệ miễn dịch suy yếu. Đáng lưu ý, đa số các bệnh nhân đều có bệnh nền khi nhập viện và trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có các tổn thương nhiễm nấm ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh…
Loại nấm này đã được thế giới nhắc đến, đặc biệt tại Ấn Độ, trong giai đoạn vừa qua với số lượng bệnh nhân tăng đột biến, là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao sau khi mắc Covid-19.
Ông Cường cho biết, nhóm nấm Mucormycosis tạo ra hàng triệu bào tử lơ lửng trong không khí và thường phát triển vào mùa Hè, Thu. Những bào tử này khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, có các chất hữu cơ thối rữa như lá cây, gỗ mục nát, phân động vật hoặc đất. Nấm xâm nhập vào cơ thể con người qua 2 con đường, gồm hít phải bào tử nấm từ không khí, gây nhiễm trùng phổi, não hoặc xoang và xâm nhập qua da bởi các vết cắt, bỏng... Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh là người từng mắc Covid-19; người mắc bệnh đái tháo đường type 2; người mắc bệnh ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng Corticoid kéo dài, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng…
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Không dừng lại ở sự phức tạp của các dịch bệnh mới nổi, đáng lo ngại hiện nay là một số dịch bệnh trước đây có khả năng khống chế được bằng vaccine thì nay có nguy cơ bùng phát, như sởi, thủy đậu, quai bị... Cùng với đó căn bệnh HIV/AIDS, viêm gan virus B, C và đặc biệt là vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện với các chủng vi khuẩn đa kháng sinh đang đặt ra các thách thức không nhỏ với hệ thống y tế của mỗi quốc gia, ngay cả các nước phát triển có nền y học tiên tiến.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, với mục tiêu chung là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát, để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
Kế hoạch của Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô cấp xã; 100% bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan...
Để đạt được những mục tiêu này, ngoài tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Phòng bệnh theo kế hoạch, Bộ Y tế còn đề nghị nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Đối với người dân, các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc, tiêm chủng đầy đủ, sử dụng nước sát khuẩn tay, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân, đeo khẩu trang, thực hiện vệ sinh khi chế biến thức ăn...
Bộ Y tế nhận định, trong nước, tình hình dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.