'Dịch rào hiến đất' xây dựng nông thôn mới

Tùng Duy 02/10/2023 06:56

Huy động nguồn lực theo Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025 gắn với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, việc kiên cố hóa và mở rộng đường làng, ngõ xóm ở một số tỉnh vùng Tây Bắc đã vào cuộc thi đua rõ rệt. Từ đây, phong trào “dịch rào hiến đất” đã truyền cảm hứng cán đích nông thôn mới (NTM).

Người dân huyện Mường Khương (Lào Cai) không chỉ hiến đất mà còn góp nhiều ngày công làm đường giao thông nông thôn.

Điểm sáng Yên Bái

Hơn 2 năm qua, phong trào “dịch rào hiến đất” tại Yên Bái đã ghi nhận gần 14.000 hộ dân tự nguyện dịch chuyển hàng rào nhà mình để hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm phục vụ xây dựng NTM với tổng diện tích gần 2 triệu m2 (giá trị khoảng 630 tỷ đồng). Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái, bà con rất hào hứng, sẵn sàng dọn dẹp hoa màu, công trình, thậm chí tự nguyện phá bỏ một phần nhà ở để làm đường giao thông nông thôn.

Ghi nhận tại xã Mường Lai (huyện Lục Yên), khi huyện chủ trương nâng cấp đường nối sang xã Liễu Đô với chiều dài 4,2km, cấp ủy cùng chính quyền và MTTQ xã đã quyết tâm giải phóng tuyến đường với giá “0 đồng”. Các thôn liền tổ chức họp dân, nói rõ ý nghĩa và lợi ích thiết thực khi có tuyến đường. Truyền thanh xã, các nhóm zalo, trang mạng xã hội vùng đất núi ngập tràn sinh động thông tin dự án. Người dân được hiểu, nắm bắt, được bàn bạc, tham gia ý kiến và chính người dân đã kiến tạo sự đồng thuận rất rộng rãi. Trực tiếp lãnh đạo chủ chốt xã và đoàn thể cùng cán bộ thôn, người có uy tín đến từng gia đình gặp gỡ, trò chuyện, vận động. Bản thân cán bộ xã làm gương “dịch rào hiến đất”, từ đó khích lệ các xóm làm theo, những hộ tiên phong liên tục được nêu gương tạo phong trào.

“Ngay lập tức đợt đầu đã có 32 hộ dân hiến trên 3.000m2 với hơn 1.200 cây cối... Tuyến đường nhanh chóng hoàn thành sau 4 tháng thi công mà không gặp bất cứ vướng mắc nào” - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai Triệu Văn Huấn cho biết. Và chỉ hai năm rưỡi, người dân Mường Lai đã góp hơn 4 tỷ đồng xây 20km đường bê tông xóm. Có hàng trăm hộ hiến trên 20.000m2 với hàng nghìn cây cối, công trình, nâng tỷ lệ cứng hóa đường làng ngõ xóm toàn xã từ gần 40% lên đến 75%. Như một “bí quyết” thuyết phục lòng dân, cách làm của Mường Lai đã lan tỏa và truyền cảm hứng cho toàn huyện núi đá Lục Yên.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái, chỉ trong 2 năm, một huyện miền núi với quỹ mặt bằng hiếm hoi như Văn Yên đã thực hiện 133 dự án làm đường nông thôn, có tới gần 5.000 hộ gia đình tự nguyện hiến đất và hàng chục nghìn công trình, vật kiến trúc, cây cối, ước tổng quy đổi gần 220 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh cho biết, hàng nghìn hộ gia đình đã tự nguyện chặt bỏ hoặc thu hoạch sớm gần 350.000 cây trồng các loại (trong đó có 60.000 cây quế), phá dỡ 15.000m2 tường rào, tổng giá trị gần 90 tỷ đồng, để mở rộng, nâng cấp và kiên cố hóa 280km đường làng, tạo quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, trường học, sân vận động. Từ đầu năm đến nay, các hộ dân ở cả 25 xã, thị trấn đã hiến hơn 300.000m2 đất, dỡ bỏ hơn 10.000m2 tường rào và các công trình, chặt gần 50 nghìn cây trồng... Đất quế Văn Yên đã sẵn sàng cán đích NTM vào năm 2024.

Thôn bản Lào Cai cùng hiến “tấc đất - tấc vàng”

Chuyện người dân hiến đất mở đường ở xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng được ví như cuộc “cách mạng” thay đổi giao thông thôn xóm. Hàng trăm hộ dân trên các trục đường liên thôn, nội thôn, các ngõ xóm, cụm dân cư tình nguyện hiến đất mở rộng mặt đường từ 3m lên 6m (30.000m2, tổng 23km). Ô tô có thể tránh nhau dễ dàng trên đường làng, có rãnh thoát nước, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Chỉ riêng một thôn như Đồng Tâm có 14 hộ dân đã hiến hơn 1.000m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm, có hộ hiến cả đất cha ông để lại, tháo dỡ hầu hết tường rào để mở rộng 1km đường làng.

“Khi được cán bộ phân tích rõ cái hay, cái lợi lâu dài, mà là cái lợi cho dân hưởng, rồi dân được bàn bạc, góp ý kiến, được biết công khai dự án, nên tất cả người dân đã ủng hộ rất cao. Dân chúng tôi còn góp sức san lấp mặt bằng mở rộng lòng đường. Có hộ đã hiến hơn 100m2 đang trồng 60 cây quế khoảng 10 năm tuổi, trong khi hoàn cảnh gia đình còn khó khăn” - ông Đào Quốc Tịch - Trưởng thôn Đồng Tâm (xã Sơn Hải) cho biết.

Và còn đó, rất nhiều tấm gương sáng được ghi nhận. Dưới chân Cột cờ Quốc gia nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, thôn Lũng Pô của xã A Mú Sung (huyện Bát Xát) có Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Ma Seo Lằng đã tự nguyện hiến 2.650m2 đất làm đường làng. Ông Lằng vận động cả bản tự nguyện hiến đất, di dời hàng rào, cây cối để có được con đường trải nhựa nối từ Lũng Pô đến trung tâm xã. Nông sản nơi cực bắc Tổ quốc được chuyển về xuôi dễ dàng, bà con rất phấn khởi. Lũng Pô thoát nghèo, và xã A Mú Sung đã sớm cán đích NTM năm 2020.

Tại huyện Mường Khương có lão nông Sủng Seo Pháng ở thôn Sín Chải, xã Thanh Bình, đã hiến hơn 2.000m2 đất sản xuất để biến con đường mương nhỏ thành đường bê tông dài 1,2km xe cơ giới chạy qua. Chỉ mới nghe nói huyện có dự án mở đường qua khu ruộng, ông Pháng chặt 250 gốc chuối và 300 cây quế đã đến mùa thu hoạch để hiến đất. Noi gương ông Pháng, 11 hộ dân khác lập tức làm theo, hiến tới gần 7.500m2 đất làm đường. Bây giờ chè, chuối, quế của dân đã rất thuận lợi cho thương lái về thu mua.

Cũng chính từ đây, phong trào hiến đất làm đường đã lan ra các xã Nậm Đét, Nậm Xuân (huyện Bắc Hà), Minh Lương (huyện Văn Bàn), Phong Niên (huyện Bảo Thắng)... với hàng trăm nghìn mét vuông “tấc vàng” được hiến, hàng triệu cây quế chặt bỏ để tạo ra những con đường làng cứng hóa thênh thang. Và cũng nhờ tinh thần đó mà chỉ 4 tháng đầu năm 2023, Lào Cai đã thi công 200km đường làng khi lòng dân cùng thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Dịch rào hiến đất' xây dựng nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO