Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua, thành phố ghi nhận số ca mắc sởi có xu hướng tăng cao ở nhóm người trên 10 tuổi - dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi đáng lo ngại trong mô hình dịch tễ học của bệnh sởi.
Có sự thay đổi theo nhóm tuổi
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, các quận, huyện ghi nhận số ca mắc sởi cao gồm: Hoàng Mai (20 ca), Hai Bà Trưng (19 ca), Nam Từ Liêm (16 ca), Đống Đa và Hà Đông (mỗi nơi 15 ca), Ba Đình, Cầu Giấy và Phú Xuyên (mỗi nơi 11 ca). Hầu hết các trường hợp mắc đều chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi, trong đó nhóm trên 10 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 27,4% tổng số ca mắc.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 1.876 trường hợp mắc sởi tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một trường hợp tử vong. Các nhóm tuổi còn lại cũng ghi nhận số mắc đáng kể, trong đó nhóm trẻ từ 1- 5 tuổi chiếm 21,7%, nhóm từ 6- 8 tháng tuổi chiếm 14,9%, nhóm từ 6 -10 tuổi chiếm 14,1%, nhóm dưới 6 tháng tuổi chiếm 12,4% và nhóm từ 9 - 11 tháng tuổi chiếm 9,4%.
Những số liệu nói trên có sự trùng hợp với xu hướng chung trên phạm vi cả nước. Cụ thể, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, độ tuổi mắc bệnh sởi hiện nay đã bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau thời hạn kết thúc chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi. Trong đó, so với 3 tháng đầu năm 2025, nhóm từ trên 1 tuổi đến 10 tuổi (chiếm 61,4%) đã giảm 6%; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi (chiếm 2,7%), giảm 0,4% (bao gồm cả nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi không có chỉ định tiêm vaccine sởi); nhóm trên 10 tuổi (chiếm 35,9%) tăng 6,4% (nhóm trên 10 tuổi: 11 – 15 tuổi chiếm 19,2%, và nhóm trên 16 tuổi chiếm 16,7%).
Sự dịch chuyển độ tuổi này cho thấy nguy cơ miễn dịch cộng đồng đang bị suy yếu ở nhóm trẻ lớn và thanh thiếu niên - những đối tượng ít được chú trọng trong các chương trình tiêm chủng định kỳ trước đây.
Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng bệnh
Trước tình hình này, các địa phương trên cả nước đã khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng, huy động sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành, tổ chức đoàn thể và hệ thống y tế cơ sở trong việc rà soát và tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho các nhóm đối tượng nguy cơ.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, tính đến cuối tuần qua, đã có 52/54 tỉnh, thành phố hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi với tỷ lệ đạt trên 95%, đáp ứng tiêu chí an toàn dịch tễ. Hai địa phương còn lại cũng đạt tỷ lệ tiêm khá cao, từ 90 đến 95%.
Để chủ động kiểm soát nguy cơ bùng phát dịch, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và Sở Y tế các địa phương về việc rà soát và đăng ký đối tượng tiêm chủng bổ sung, chuẩn bị cho đợt ba của chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi năm 2025.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung vào nhóm trẻ từ 11 - 15 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi - đối tượng đang có tỷ lệ mắc gia tăng rõ rệt. Các địa phương cần rà soát, lập danh sách chính xác các trường hợp trong nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là những vùng đang ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao hoặc có điều kiện tiếp cận y tế còn hạn chế.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Mục tiêu của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3 là 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi, được tiêm 1 mũi vaccine chứa thành phần sởi. Các nhóm đối tượng triển khai của kế hoạch là: trẻ đủ 6 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 và trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra; Trẻ từ 11 - 15 tuổi tại xã/phường nguy cơ cao/rất cao chưa được tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi và trẻ chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không rõ tiền sử mắc sởi”.
Mặc dù tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm, Bộ Y tế vẫn cho rằng công tác phòng chống sởi còn nhiều thách thức. Một số địa phương chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% do gặp khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng ở vùng sâu, vùng xa và khu đô thị đông dân cư. Tâm lý e ngại vaccine của một bộ phận người dân cùng với tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế tuyến cơ sở tiếp tục là rào cản lớn trong quá trình triển khai chiến dịch.
Trước thực tế này, Bộ Y tế nhấn mạnh, trong bối cảnh sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa hoàn toàn bằng vaccine, việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao và miễn dịch cộng đồng là giải pháp then chốt để kiểm soát và ngăn chặn dịch bùng phát trở lại.