Dịch Covid-19 khiến dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh càng nở rộ. Tuy nhiên bên cạnh sự tiện dụng, dịch vụ này vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tăng cao, đặc biệt vào dịp cuối năm. Song, việc tiếp nhận và giao hàng vẫn còn nhiều kẽ hở dù đã có nhiều bài học, nhiều shiper giao hàng gặp sự cố.
Phát triển nở rộ
Dịch Covid-19 đang làm thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều dịch vụ chuyển phát nhanh ra đời, đem lại nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến đầu năm 2021, thị trường bưu chính Việt Nam có khoảng 550 doanh nghiệp bưu chính đang được cấp phép hoạt động. Các doanh nghiệp có tiếng phải nhắc đến như: Viettel Post, Vietnam Post, Giao Hàng Nhanh và Giao Hàng Tiết Kiệm, chiếm hơn 65% thị phần.
Cũng theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính doanh thu lĩnh vực bưu chính 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 23% so với với cùng kỳ. Sản lượng bưu phẩm đạt trên 590 triệu, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Những con số này cho thấy ngành bưu chính, chuyển phát nhanh đang hoạt động rất hiệu quả.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời công nghệ số, các đơn vị bưu chính đưa ra đa dạng các dịch vụ chuyển phát nhanh, hỏa tốc, giao hàng nhanh... Không phải đến trực tiếp các bưu cục, khách hàng chỉ cần đặt dịch vụ chuyển hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, sau đó nhân viên vận chuyển sẽ đến tận nơi để nhận hàng.
Theo khảo sát nhu cầu của một số chủ cửa hàng, người dân, họ chủ yếu lựa chọn đơn vị bưu chính dựa trên uy tín, độ an toàn, tốc độ giao hành, giá cước hợp lý.
Chị Trần Bảo Hân (quận Đống Đa, Hà Nội), một người nghiện mua sắm online chia sẻ: “Hiện nay, dịch vụ chuyển phát nhanh rất tiện lợi. Tôi thường chọn đơn vị giao hàng có tốc độ cao nhất. Bên cạnh việc đến nhà nhận hàng, nhiều đơn hàng tôi còn sử dụng dịch vụ thu tiền hộ. Không phải đi lại, không phải trả tiền luôn nên thói quen mua hàng của tôi cũng thay đổi theo, chuyển từ trực tiếp sang online”.
Thị trường giao hàng Việt Nam tăng trưởng phần lớn cũng nhờ thương mại điện tử. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu mua sắm qua sàn thương mại điện tử đã tăng mạnh. Đến nay đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận internet, trong đó có gần 50% số người dùng Việt Nam đã mua sắm online, dùng sử dụng ví điện tử, và thanh toán mua hàng qua mạng. Điều này khiến dịch vụ chuyển phát, giao hàng ngày càng phát triển, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Anh Nguyễn Văn Minh, từng làm nhân viên giao hàng của Công ty CP Thương mại và Chuyển phát nhanh Nội Bài (NETCO) cho biết: “Vào thời điểm cuối năm, chúng tôi vắt chân lên cổ để giao hàng. Có những ngày tôi nhận hơn 100 đơn, tùy theo từng tuyến. Dịch vụ chuyển phát hàng hóa nở rộ cũng tạo nguồn thu nhập, công việc ổn định cho nhiều người”.
Vẫn còn nhiều kẽ hở
Không phủ nhận tính tiện lợi của dịch vụ chuyển phát, giao hàng của các đơn vị bưu chính hiện nay, song cũng chính bởi nhu cầu cần nhanh, tiện lợi của khách hàng khiến dịch vụ này đang tồn tại những kẽ hở.
Trong vai khách hàng, phóng viên tìm đến một số bưu cục của các đơn vị có tiếng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại Bưu Cục Kim Mã của Viettel Post, nhân viên nhanh chóng làm thủ tục cho khách hàng. Khách hàng chỉ cần nêu tên, địa chỉ, số điện thoại người nhận mà không cần phải mất thời gian điền bất kỳ phiếu nào.
Theo các khách hàng tại đây, họ khá hài lòng về dịch vụ vì nhanh, tiện lợi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhân viên quá dễ dàng tiếp nhận hàng mà không kiểm tra bên trong hộp đồ gửi đi là mặt hàng gì, có thuộc hàng không được phép vận chuyển hay không?
Tương tự, tại Bưu cục Quán Thánh của Vietnam Post, lượng hàng hóa cần vận chuyển trong thành phố, ngoại tỉnh rất lớn. Nhân viên bưu cục làm việc luôn chân, luôn tay, từ nhận hàng, đóng gói, đến cân hàng, xếp hàng…
Khách hàng muốn gửi hàng chỉ việc điền vào một tờ giấy ghi địa chỉ, số điện thoại của người gửi, người nhận. Sau đó, nhân viên bưu cục tiếp nhận và niêm yết nội dung trên hộp đồ và cũng không kiểm hàng hóa bên trong.
Không riêng các đơn vị bưu chính, cả dịch vụ giao hàng như Grab, Aha Move…, việc tiếp nhận hàng và giao hàng hiện nay cũng đang khá dễ dàng. Khách hàng chỉ việc đưa hàng, cung cấp thông tin, địa chỉ người nhận, shipper lập tức lên đường vận chuyển hàng ngay.
Nhiều năm làm nhân viên giao hàng cho công ty NETCO, anh Minh thừa nhận, hầu hết anh nhận hàng do tin tưởng khách hàng là chính. Hơn nữa, một ngày, các shipper nhận hàng trăm đơn hàng, làm không suể. Trong khi để đáp ứng nhu cầu nhanh của khách hàng, các anh không có thời gian để kiểm hàng khi các đơn hàng đã bọc, gói, niêm phong sẵn.
Sự phát triển mạnh mẽ của các đơn vị bưu chính cũng như tính cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong khi công tác quản lý còn chưa chặt chẽ như hiện nay khiến nhiều người lo ngại về những lỗ hổng trong hoạt động chuyển phát, giao nhận hàng hóa.
Đã có nhiều shipper giao hàng gặp sự cố như trường hợp anh Minh ở trên. Anh đã từng phải đền tiền cho khách vì tính chủ quan không kiểm hàng hóa bên trong. Anh Minh kể: “Khi tôi nhận hàng, khách hàng nói đó là một quả cọ yêu cầu tôi phải ship luôn không sợ hỏng. Khi đến sân bay, bộ phận an ninh soi chiếu thấy nghi ngờ hàng bên trong hộp nên yêu cầu tôi bóc hộp đồ ra. Do khâu kiểm tra mất nhiều thời gian nên đồ của khách bị hỏng. Tôi đã phải bỏ tiền túi để đền tiền cho khách”.
Rủi ro của anh Minh chỉ là một trong số rủi ro nhỏ mà nhân viên bưu cục nhận phải. Nguy hiểm hơn, có shipper bị lợi dụng, vận chuyển phải hàng cấm như ma túy tổng hợp. Khoảng tháng 4/2021, một tài xế giao hàng qua ứng dụng Grab đến Công an phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, giao nộp 1 thùng xốp có 2 túi nilông chứa tổng cộng 1.003 viên nén màu tím. Qua giám định, xác định đây là ma túy tổng hợp loại MDMA có khối lượng 440,63 gam.
Theo tường trình của tài xê này, trước đó anh có nhận được đơn hàng đến khu vực đường Đặng Vũ Hỷ (quận Long Biên) giao cho một nam giới. Tuy nhiên, khi giao đến nơi, tài xế không liên lạc được với người nhận và cả người gửi.
Dịch vụ chuyển phát, giao hàng nhanh phát triển, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Song, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của dịch vụ vụ này để giao hàng hóa là chất cấm, hoặc hàng lậu, hàng giả. Thậm chí, “đội lố” giao hàng công nghệ để giao ma túy.
Cũng vì quá lo sợ rủi ro khi ship hàng, anh Lưu Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) đã phải bỏ nghề shipper để kiếm một việc làm khác an toàn hơn. Anh Công cho biết: “Do nhu cầu lớn nên hiện nay, nhiều đơn vị dù không được cấp phép cũng vẫn tự nhận hàng và vận chuyển hàng. Trong khi, khâu quản lý, kiểm kê hàng còn lỏng lẻo kéo theo mất an toàn cho người lao động. Dù thu nhập cũng tạm ổn nhưng tôi đã xin nghỉ việc để tự bảo vệ mình”.
(Còn nữa)