Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề bức xúc, đặc biệt là sự xuống cấp của chất lượng môi trường. Trong bối cảnh đó nhu cầu về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và cải thiện môi trường ngày càng cao, đòi hỏi cần có những bước phát triển mới trong lĩnh vực dịch vụ môi trường.
Phát triển dịch vụ môi trường đang là một nhu cầu hết sức cấp thiết ở Việt Nam.
Theo kết quả điều tra khảo sát của Tổng cục Môi trường, đến nay, tại 53 tỉnh thành phố trên cả nước, có gần 4.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực môi trường bao gồm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thông thường và chất thải nguy hại nhưng phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp môi trường có quy mô nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng (chiếm hơn 52% tổng số doanh nghiệp môi trường), số lượng doanh nghiệp quy mô lớn vốn hơn 500 tỷ đồng chiếm không nhiều khoảng gần 3%.
Thời gian qua Nhà nước vẫn đang phải dành một nguồn kinh phí không nhỏ nhằm hỗ trợ các hoạt động về bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là đòi hỏi yêu cầu tự thân trong nước do những hệ quả không mong muốn từ mục tiêu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đang thực hiện.
Theo thông lệ quốc tế với những đòi hỏi khắt khe phải cam kết thực hiện ngày càng nhiều hơn các quy định quốc tế về môi trường… cũng là hướng chúng ta phải thực hiện. Do vậy, phát triển dịch vụ môi trường đang là một nhu cầu hết sức cấp thiết ở Việt Nam.
Hiện nay, đã có nhiều loại hình được các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển vào lĩnh vực môi trường từ nhiều nguồn vốn, bước đầu hình thành hệ thống doanh nghiệp ngoài công ích. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường ở Việt Nam còn khá non trẻ, chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường còn yếu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Năng lực cung ứng dịch vụ và chất lượng dịch vụ còn thấp các doanh nghiệp chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này chưa hoàn thiện, thị trường dịch vụ môi trường mới manh nha, phân tán. Việc định hướng chiến lược phát triển dịch vụ môi trường sẽ một mặt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi trường trong nước có đủ thời gian và những lợi thế để phát triển, mặt khác thu hút đầu tư nước ngoài, tranh thủ kinh nghiệm để bổ sung nguồn lực phát triển lĩnh vực này.
Để phát triển ngành công nghiệp môi trường, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần ban hành cơ chế khuyến khích hỗ trợ vay vốn từ các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp khi tham gia cung cấp dịch vụ môi trường, có chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm BVMT được sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí xúc tiến thương mại cho các cơ sở doanh nghiệp công nghiệp môi trường, đồng thời xây dựng quy hoạch phát triển doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020 của từng địa phương trên cơ sở đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường, khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ đến năm 2020 để với mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường là cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế, tạo thêm việc làm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Đến năm 2025 sẽ phát triển ngành công nghiệp môi trường thành ngành có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp Việt Nam, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao về môi trường có khả năng giải quyết hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên bền vững.