Chỉ còn vài ngày nữa, các sĩ tử sẽ tiến hành điều chỉnh lại nguyện vọng cho phù hợp với số điểm thi tốt nghiệp. Điểm chuẩn dự kiến của các trường sẽ là căn cứ quan trọng giúp học sinh có những lựa chọn hợp lý. Đối với ngành sư phạm, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ đươc Bộ GDĐT công bố trước ngày 17/9 để thí sinh có cơ sở tham khảo.
Tăng ít nhất 1 điểm
Theo phổ điểm có xu hướng lệch phải Bộ GDĐT đã công bố, nhiều chuyên gia dự báo điểm chuẩn của các trường ở khối ngành sư phạm sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm tùy từng ngành và khối thi. Đặc biệt là các nhóm ngành hot, có số thí sinh đăng ký nguyện vọng lớn có thể tăng hơn 2 điểm. Tuy nhiên, những nhóm ngành xét tuyển có môn ngoại ngữ trong tổ hợp môn có thể sẽ tăng nhẹ hơn vì đây là môn có phổ điểm thấp hơn so với các môn khác trong kỳ thi năm nay.
Ông Nguyễn Thanh Tân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sài Gòn, cho biết tổng thí sinh đăng ký vào trường năm nay hơn 35.000 em, cao gấp khoảng 10 lần so với chỉ tiêu. Trong đó, nhóm ngành có thể điểm chuẩn sẽ tăng cao là Sư phạm tiếng Anh, sư phạm toán, Sư phạm Ngữ văn, Giáo dục Tiểu học…
Dự kiến, tới ngày 17/9 Bộ sẽ công bố điểm sàn khối ngành sư phạm và sức khỏe. Tới ngày 19/9 các em có thêm cơ hội điều chỉnh nguyện vọng.
Theo các chuyên gia đây là thời gian các em tìm hiểu thêm về nhà trường, ngành nghề mình mong muốn theo đuổi, các cơ hội vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như cơ hội thăng tiến phát triển nghề nghiệp sau này. Căn cứ vào phẩm chất, yêu cầu xem mình có đáp ứng đầy đủ và có thực sự yêu thích ngành nghề đó hay không.
Được biết, năm 2019 điểm sàn cho khối ngành đào tạo giáo viên là 14-18 điểm. Trong đó, điểm sàn bậc ĐH là 18 điểm, cao đẳng là 16 điểm.
Vẫn thiếu giáo viên
Từ năm học 2020-2021 bắt đầu triển khai chương trình GDPT mới. Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định thành công triển khai chương trình mới. Các nhà trường, các địa phương cần làm tốt công tác bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, cấp tiểu học còn thiếu khoảng gần 10.000 giáo viên nữa. Hiện tổng số giáo viên cấp tiểu học đang ở mức 403.000 thầy cô. Trong đó, tập trung nhiều ở các giáo viên bộ môn Ngoại ngữ, Tin học… là những bộ môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là một gợi ý đối với các thí sinh đang có mong muốn đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm năm nay và các năm tới bởi với nhu cầu thiếu của thị trường lao động, cơ hội tuyển dụng sau khi tốt nghiệp sẽ cao hơn so với các ngành đang dư thừa giáo viên.
Thứ hai, đội ngũ giáo viên mầm non cũng đang bị thiếu hụt. Theo ông Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, tính đến tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 45 nghìn giáo viên mầm non. Điển hình như tỉnh Nghệ An thiếu gần năm nghìn giáo viên mầm non....
Trước thực trạng này, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương thiếu giáo viên theo định mức. Đặc biệt, các địa phương không tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non trong 3 năm học (giai đoạn 2019 - 2021) để có đủ giáo viên tối thiểu giảng dạy trong bối cảnh cấp học này đang thiếu nhiều giáo viên.
Chưa kể, trong chương trình giáo dục hiện hành, hai môn Tiếng Anh và Tin học triển khai theo hình thức tự chọn. Tuy nhiên, theo chương trình GDPT mới, hai môn này sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với hai khối 1, 2. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở giáo dục là tuyển dụng giáo viên, do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.
Vì vậy, cần có những thay đổi trong chính sách tuyển dụng gắn với điều kiện thực tế. Mặc dù ngành giáo dục đã có những thống kê về đội ngũ nhân lực nhưng để giải quyết được căn cơ, khoa học việc thiếu thừa giáo viên, khắc phục tình trạng “ăn đong” như trước đây đòi hỏi một đề án dài hơi hơn giúp các địa phương tính toán sát bài toán nhu cầu nhân lực.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng yêu cầu các Sở GDĐT cần xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ổn định trong 5 năm để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh/TP thực hiện.
Đồng thời, các trường sư phạm cũng cần đổi mới phương thức giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.