Đó là nghịch lý tuyển sinh của khối ngành nông lâm ngư nghiệp khi nhiều năm nay điểm trúng tuyển đại học chỉ bằng hoặc trên điểm sàn một ít nhưng vẫn khó hút thí sinh. Trong khi sinh viên các ngành khác ra trường không dễ kiếm việc làm thì sinh viên khối ngành nông lâm ngư nghiệp lại khá “đắt hàng” do các ngành này luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao.
Ngành nông nghiệp “khát” nhân lực trình độ cao.
Thấp “trường kỳ”
Trái ngược với lo lắng, thấp thỏm của nhiều thí sinh khi đăng ký vào các ngành hot, các trường top trên, những thí sinh đăng ký nguyện vọng (NV) 1 vào khối trường nông lâm ngư nghiệp hầu như khá tự tin nếu như đạt mức… trên điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đã công bố, thậm chí là tính cả cộng điểm ưu tiên để đạt được mức 15,5 điểm.
Tại ĐH Lâm nghiệp, điểm trúng tuyển đợt 1 năm nay không có gì biến động so với năm 2016 với 10/10 mã tổ hợp đều lấy bằng sàn 15,5 điểm. Đây cũng là điểm xét tuyển của tất cả các ngành của trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế).
Với ĐH Nông lâm TPHCM, nhiều ngành ở phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận cũng lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn. Tại cơ sở chính ở TP HCM, điểm chuẩn cao nhất là 23,75 thuộc về ngành Công nghệ sinh học và Thú y. Các ngành lâm nghiệp, Công nghệ chế biến lâm sản, Quản lý tài nguyên rừng, Quản lý đất đai, Phát triển nông thôn cũng lấy điểm trúng tuyển từ 17-18 điểm.
Một trường có điểm trúng tuyển mùa tuyển sinh 2016 rất cao và chỉ xét tuyển bổ sung với số lượng rất ít là ĐH Thủy lợi, năm nay tình hình ngược lại. Trong số 14 mã nhóm ngành, trường chỉ có 3 mã nhóm ngành có điểm trúng tuyển 16,5 - 18 điểm, các ngành còn lại điểm chuẩn 15,5 - 16. Đáng lưu ý, có những ngành truyền thống của trường, nhu cầu nhân lực lớn như Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật hạ tầng, Kỹ thuật tài nguyên nước, Kỹ thuật trắc địa – bản đồ, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hóa học, số lượng trúng tuyển lại ít.
Khó tuyển vì thí sinh ít hiểu về ngành nghề
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh- Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Thủy lợi, lý do khiến công tác tuyển sinh của trường năm nay gặp khó khăn là do với cách đăng ký không giới hạn NV và các NV đều có giá trị giống nhau, không phân biệt trong xét tuyển nên các ngành hot, trường hot đã hút nhiều thí sinh điểm cao. Trong khi đó, nhiều thí sinh chưa thực sự hiểu về ngành nghề của trường, cứ đăng ký theo phong trào mà không biết chất lượng đào tạo đến đâu.
Chia sẻ ý kiến này, một giáo viên phổ thông cho rằng khi nhà trường tổ chức hướng nghiệp cho các em học sinh mới thấy, rất nhiều em nhầm lẫn rằng nông nghiệp gắn liền với hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, học nông nghiệp sau này sẽ trở thành nông dân, chân lấm tay bùn, lội ruộng,… Tương tự, những ngành nghề đào tạo của khối lâm ngư nghiệp cũng khiến các em liên tưởng đến công việc lao động thô sơ nên tâm lý không mặn mà với ngành này là có thể hiểu được. Về phía cha mẹ, khi hướng nghiệp cho con, nhiều bậc cha mẹ cả đời làm nông dân vất vả mong muốn con cái trưởng thành, có công việc làm ổn định và thoát khỏi ruộng đồng.
“Cách hiểu của một số người về việc làm sau khi ra trường cho sinh viên khối ngành nông lâm ngư nghiệp hiện nay vẫn còn sai lầm. Các trường phổ thông đã đẩy mạnh công tác hướng nghiệp nhưng nên chăng các trường ĐH cũng kết hợp nói chuyện để học sinh hiểu hơn. Quan trọng hơn là chỉ ra những cơ hội về việc làm, về mức lương sau khi ra trường từ những tấm gương thực tế sẽ là minh chứng sống động nhất hơn mọi lời nói”- giáo viên này bày tỏ.
Cách nào để hút thí sinh giỏi?
Là một giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS Sử Thanh Long chia sẻ, nỗi buồn mỗi mùa tuyển sinh ĐH khi nhiều em thi vào trường không phải vì tình yêu với nền nông nghiệp mà là trường lấy điểm thấp.
“Quê tôi ở Hà Tĩnh. Cứ đến mùa thi đại học là tôi lại nhận được điện thoại của những người họ hàng nói rằng cháu nhà tôi học kém lắm, bác xem giúp cháu vào ĐH Nông nghiệp được không? Bản thân tôi rất đam mê giáo dục, đam mê đào tạo và vô cùng tự hào được tiếp nối truyền thống gia đình khi cả ông tôi, bố tôi đến thế hệ tôi đều giảng dạy tại trường ĐH Nông nghiệp. Nhưng hiện nay đầu vào của trường quá thấp. Thường điểm sàn có bao nhiêu thì trường tuyển bấy nhiêu. Trong đó, tổng điểm đã bao gồm đủ các loại điểm cộng về ưu tiên khu vực, về con thương binh. Có những năm chỉ 11, 13 điểm cũng đỗ đại học. Để rồi sau đó, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm”- TS Long trăn trở.
Một trong những cách làm được TS Long đề xuất là làm sao để con trẻ sớm được tiếp xúc với nền nông nghiệp, không chỉ là trải nghiệm thực tế với những mô hình trang trại giáo dục kiểu đến xem, đến vui chơi rồi… về sợ làm nông dân mà quan trọng, từ đó các em có thêm hiểu biết về nông học, biết yêu cuộc sống thôn dã.
Để các em hiểu rằng, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã rất phổ biến trên thế giới. Điều này đã và đang được tiến hành ở Việt Nam và rất cần đến nhân lực trình độ cao có kiến thức, có hiểu biết được đào tạo bài bản để đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển hơn nữa.
“Có đầu vào tốt hơn, có thể kỳ vọng đầu ra của các trường nông nghiệp sẽ có những người như Lương Đình Của trước đây”- TS Sử Thanh Long hy vọng.