Diêm dân Hà Tĩnh: Giữ nghề hay chuyển?

Hạnh Nguyên 20/06/2016 09:50

Những năm trước, diêm dân Hà Tĩnh hồ hởi bước vào vụ từ tháng 3 âm lịch, nhưng năm nay đầu tháng 5 mới bắt đầu vào mùa. Tranh thủ “cướp nắng” với đong đầy hy vọng, nhưng thị trường ế ẩm khiến diêm dân dùng dằng làm chẳng được bỏ không xong. Mùa muối năm nay sao “chát” đến lạ…

Vất vả mưu sinh trên cánh đồng muối dưới nắng nóng 40 độ C. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Chát mặn một đời

Về vựa muối Hộ Độ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) những ngày nắng như đổ lửa, nơi đây một thuở tấp nập kẻ làm người mua nay quá lặng lẽ. Gặp lão diêm Trương Quang Dân (70 tuổi, thôn Đông Phong, xã Hộ Độ) đang gượng mình phơi cát trên nại (ruộng muối), ông nói: “Nghề làm muối bạc bẽo lắm o à, có mấy ai muốn mần nữa mô. Trẻ thì không thiết tha mà già thì chỉ mần được chút, không mần thì không có ăn, mần rồi về đổ đống đó, có ai mua bán chi mô”.

Gia đình ông Dân có 7 người, trước đây ít nhiều đều làm muối, bây giờ con cái ông đã bỏ ruộng muối đi tìm kế sinh nhai ở phương khác, còn mỗi ông dù tuổi đã cao nhưng vẫn phải bám lấy hai sào để kiếm cái ăn. Ngày nắng, 5 giờ sáng ông Dân thức dậy để ra nại, trưa về ăn vội bát cơm rồi 1 giờ chiều lại ra cào cào, phơi phơi. Một mình nên ông Dân phải nai lưng ra mà làm cho kịp nắng. Những năm trước, một mùa ông Dân làm được 5 tấn muối, năm nay giỏi lắm thì được 2 tấn vì do đợt cá chết vừa rồi, nghi nước biển nhiễm độc, dân không dám ăn muối nên diêm dân cũng chần chừ không dám làm.

Cùng chung cảnh ngộ, vợ chồng ông Trần Đình Quế và bà Nguyễn Thị Nga cũng đã bước vào độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn phải nhẫn nại làm muối. Bà Nga than thở: “Làm muối nắng nôi khó nhọc nhưng làm có ai mua cho đâu, rẻ rúng lắm. Khi chưa có sự cố cá biển chết giá muối đã thấp, nay còn thấp hơn mà cũng không ai hỏi mua”.

Cái nghề truyền thống làm muối của làng Hộ Độ một thời làm mưa làm gió, một sào muối cũng nuôi đủ mấy miệng ăn, nhưng nay sao lại bạc bẽo đến vậy. Ông Phan Đình Hinh- Chủ tịch UBND xã Hộ Độ còn nhớ như in thời kỳ hoàng kim nhất của làng muối Hộ Độ, thập niên 80. Trên đồng muối rộng gần 200ha, vào vụ, người làng muối túa ra khắp mọi ngả đường.

Cuối ngày, muối chất đầy rổ, được đưa lên xe bò, xe đạp, người bán, người mua huyên náo cả một vùng. Sản lượng muối lúc nào cũng trên 10 nghìn tấn/năm. Công ty muối Nghệ Tĩnh ngày đó đã phải dựng hai nhà kho lớn mới đủ sức chứa. Muối Hộ Độ nổi tiếng là trắng, sạch, giòn, mặn, nên làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Hai mươi năm sau, muối Hộ Độ vẫn thích ứng được với cơ chế thị trường. Ngoài bán muối cho hợp tác xã, bà con còn đạp xe rao bán khắp trong vùng. Những năm 2000, bà con vui mừng vì có lúc giá muối lên 14-15 ngàn đồng/yến. Từ năm 2009, khi muối ngoại tràn vào, muối Hộ Độ bắt đầu lao đao.

Mặc dù được Nhà nước quan tâm xây dựng công trình cải tạo đồng muối, nhưng cũng chỉ được vài năm sau, muối lại rơi vào bế tắc. Năm 2010, giá muối rớt xuống còn 7.000 đồng/yến, bà con bàn nhau găm hàng lại chờ giá lên hãy bán. Thế nhưng, trận lũ tháng 10/2010 đã cướp đi của diêm dân Hộ Độ hơn 600 tấn muối. Ruộng muối tan hoang, kênh mương tiêu điều.

“Chục năm nay nghề muối mai một dần do cơ chế tự sản tự tiêu, thị trường bấp bênh, có khi đầu vào cao hơn đầu ra. Trước đây sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu, giờ thì diện tích để hoang nhiều hơn sản xuất. Sản lượng những năm trước đạt từ 2.700 đến 3.000 tấn nhưng năm nay chắc chắn không thể đạt được mục tiêu này. Giá muối hiện tại là 120 - 130 nghìn đồng/tạ nhưng ít người hỏi mua. Xã đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho diêm dân để ổn định thị trường nhưng cũng chưa có hiệu ứng tích cực”- ông Hinh nói.

Để vận động bà con diêm dân tích cực sản xuất, chính quyền địa phương đã đề ra chính sách là hỗ trợ các hộ 2 triệu đồng/sào, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật để bà con yên tâm sản xuất. Năm 2015, toàn xã có 430 sào muối. Theo kế hoạch, năm 2016, toàn xã phấn đấu tăng diện tích lên 600 sào. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, việc đạt chỉ tiêu, kế hoạch là vô cùng khó khăn.

Còn tại Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh), diêm dân cũng không mấy mặn mà với muối. Nếu như năm ngoái, toàn xã có gần 1.000 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 62ha thì năm nay chỉ còn 610 hộ sản xuất 52ha. Nếu cách đây 2 năm, 1 cân muối bán với giá 1.500 đồng thì 2 năm trở lại đây chỉ còn khoảng 1.000 đồng. Giá muối rẻ khiến người dân tìm hướng khác để mưu sinh.

Chuyển hướng?

Sau sự cố môi trường tại vùng biển Hà Tĩnh, cơ quan chức năng tỉnh này đã lấy mẫu muối kiểm nghiệm và kết quả cho thấy không phát hiện thủy ngân, xyanua, phenol trong các mẫu muối. Muối biển tại các đồng muối trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT.

Ông Phan Văn Dũng- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Chi cục đã lấy 7 mẫu muối sản xuất tại các đồng muối xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) và các xã Thạch Châu, Hộ Độ (Lộc Hà) gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Về chất lượng thì bà con không phải lo lắng vì qua kiểm nghiệm kết quả an toàn. Các địa phương cần nắm thông tin kịp thời để tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là thông tin đối với bà con diêm dân để họ yên tâm sản xuất”.

Ông Lê Văn Luyện- Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà chia sẻ, để vực dậy nghề muối, địa phương đã có tìm nhiều cách để hỗ trợ diêm dân, trong đó UBND tỉnh đã giao Công ty cổ phần Muối và Thương mại Hà Tĩnh thu mua sản phẩm cho diêm dân xã Kỳ Hà. Công ty đã đứng ra thu mua với giá 1.150 đồng/kg. Đây là tín hiệu vui giúp bà con diêm dân yên tâm sản xuất. Nhưng sau khi xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng, nhiều doanh nghiệp vào đầu tư nên nhiều người đã chọn phương án bỏ nghề muối cực nhọc để làm các nghề khác cho thu nhập cao hơn.

Còn tại xã Hộ Độ, một tín hiệu vui cho diêm dân nơi đây là chính quyền tỉnh đang có định hướng chuyển đổi một phần diện tích làm muối sang nuôi trồng thủy, hải sản. Tuy nhiên, ông Phan Đình Hinh - Chủ tịch xã cho biết địa phương đã tìm nhiều phương án để chuyển đổi nghề cho diêm dân như chuyển sang làm màu nhưng do tính chất đất nhiễm mặn nên làm màu không phù hợp.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tỉnh đã phê duyệt phương án là sẽ thực hiện chuyển đổi 70ha diện tích đất làm muối của xã Hộ Độ và Mai Phụ sang nuôi trồng thủy, hải sản. Đây sẽ là cơ hội tích cực để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống- ông Hinh hy vọng.

Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh đó là việc dôi dư lao động. Nếu như làm muối 1ha có thể giải quyết việc làm cho 20-30 lao động thì nuôi trồng thủy, hải sản chỉ tạo công ăn việc làm cho 1-2 người. Vì thế, rất cần phương án giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động sau khi chuyển đổi nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diêm dân Hà Tĩnh: Giữ nghề hay chuyển?