Theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi có hiệu lực từ ngày 10/7/2021, một số mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ được thay đổi.
Theo nội dung Nghị định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng để xác định hành vi vi phạm hành chính và mức độ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khi cá nhân, tổ chức xả, thải chất thải vào môi trường; trường hợp có cả quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương thì áp dụng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (gọi chung là quy chuẩn kỹ thuật).
Cụ thể, theo nội dung Nghị định, đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Nghị định 55/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt cảnh cáo đối với hành vi thực hiện không đúng một trong các biện pháp bảo vệ môi trường trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ các trường hợp: vi phạm quy định về thực hiện quan trắc, giám sát môi trường và quy định tại điểm c khoản này; không thông báo cho cơ quan đã xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường để biết việc thay đổi chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo quy định;
Đối với hành vi không có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất theo quy định; lưu giữ phế liệu nhập khẩu tại khu vực không đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất theo quy định bị phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Đối với hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu theo quy định; không xử lý tạp chất đi kèm phế liệu hoặc không chuyển giao tạp chất cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 230.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu không đúng chủng loại trong Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 25 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Nghị định số 55 cũng nêu rõ phạt tiền từ 900.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, quá cảnh phế liệu có chứa chất phóng xạ; nhập khẩu phế liệu không thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất và các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
Đối với vi phạm các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Nghị định số 55 quy định bổ sung mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Đồng thời, Nghị định số 55 sửa đổi phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.
Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP gồm: Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 1; Bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 2; Sửa đổi các khoản 4, 7, 8, 10 và 11, bổ sung các khoản 14 và 15 Điều 3; Bổ sung điểm c khoản 2, các điểm o, p, q, r, s và t khoản 3 và khoản 4 Điều 4; Sửa đổi, bổ sung Điều 6, 8, 9, 11, 12, 13, 14, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 29, 32, 33, 34, 39, 40, 44, 46, 49, 52; Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 7; Sửa đổi điểm đ khoản 8 Điều 19; Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 48; Bổ sung khoản 4 Điều 55; Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 4 Điều 56.
Đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường xảy ra trước ngày Nghị định số 55/2021/NĐ-CP có hiệu lực, bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định số 55/2021/NĐ-CP đã có hiệu lực và nếu Nghị định số 55/2021/NĐ-CP không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng quy định của Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định số 55/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, nhưng cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.