Nếu gọi sự vật bằng cái tên của nó, có lẽ chính xác phải gọi là thời Lê Trịnh thay cho thuật ngữ Lê Trung hưng? Một giai đoạn lịch sử độc đáo 249 năm của Đại Việt mà thiên hạ cổ kim đã tốn không biết bao giấy mực cùng lời lẽ để luận bàn! Những là độc đáo của hình thái Lưỡng đầu chế - có vua lẫn có chúa, những sự cân bằng quyền lực này khác, v.v… và v.v…
Một bức ảnh hiếm hoi chụp bên lề sự kiện Chúa Trịnh xuất cung của thương nhân Samuel Baron (tác giả “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” (A Description of the Kingdom of Tonqueen) xuất bản lần đầu năm 1732.
Xin kính nhường các bậc cao minh đang nối dài tiếp những sự luận bàn cùng minh xét, thẩm định. Trong phạm vi bài báo ngắn này, người viết chỉ mon men một thành tựu văn hóa, ấy là đồ sứ ký kiểu (ĐSKK) hay đồ nội phủ được coi là thứ điểm nhấn điểm nhãn của thời Lê Trịnh. Chẳng biết tự khi nào, xứ mình có câu Nhất chữ, nhì tranh, tam sành tứ mộc để chỉ cái thú chơi tao nhã của người giàu hoặc các bậc phong lưu, quân tử. Chữ, tranh là thư pháp thư họa. Sành là đồ cổ bằng sành sứ. Mộc là cây cảnh quý phải là cỡ kỳ hoa dị thảo. Thứ đồ cổ bằng sành sứ dứt khoát chả thể thiếu đồ ký kiểu hay còn gọi là đồ nội phủ. Ký kiểu nội phủ thường dùng để chỉ chung những món đồ sứ do người Việt Nam, gồm cả vua, quan và thường dân, đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề. Bài viết này chỉ quanh phạm vi dòng đồ sứ - nội phủ thời Lê Trịnh. Ký kiểu, những món đồ sứ bình trà ấm chén, bát đĩa ống bút… tạm hiểu theo nghĩa là vẽ kiểu trước và ký là dấu ấn hay một bài thơ ngắn.
Xuyên suốt hơn 200 năm tồn tại của thời kỳ Vua Lê – Chúa Trịnh – đặc biệt kể từ thời điểm Bình An Vương Trịnh Tùng nối nghiệp cha là Trịnh Kiểm hoàn thành cuộc Trung Hưng – đánh bại sự tiếm ngôi của nhà Mạc – đưa vua Lê Thế Tông trở lại kinh thành Thăng Long vào năm 1595 và lập “Phủ liêu” điều hành chính sự – việc đặt làm và nhập khẩu đồ sứ Trung Quốc cung ứng cho nhu cầu sử dụng của Phủ Chúa đã diễn ra như một tất yếu và liên tục. Sở dĩ có mối bang giao gốm sứ Đại Việt - Trung Hoa bởi gốm Đại Việt vốn đã bắt mắt về chất lượng và hình thức, song vẫn kém sứ Tàu về độ bóng, độ bền chắc cũng như chất lượng của xương gốm. Cũng cần nói thêm, với việc đặt làm đồ sứ ở bên Trung Hoa, các Chúa Trịnh qua đó muốn khẳng định chủ quyền quốc gia với người bạn láng giềng phương Bắc. Theo sử, nhà Minh niên hiệu Vạn Lịch đã cử sứ sang chúc mừng nhà Lê khi cuộc Trung Hưng vừa thành công, rồi sau đó công nhận vua Lê Thần Tông (1619–1643) là Quốc vương của Đại Việt và Chúa Trịnh Tráng lúc đó – được vua Lê trao quyền điều hành chính sự – là Phó Quốc vương.
Độc đáo thời ấy triều nhà Minh thiếu chi những món đồ sứ cao cấp? Việc giao thương hẳn cũng không khó? Nhưng các chúa Trịnh đã sáng tạo ra các món đồ sứ với kiểu dáng riêng có của mình. Nhà chúa đã cử các họa sĩ, nhà điêu khắc thời ấy gọi nôm, gọi chung là thợ vẽ khéo, đi theo các đoàn sứ bộ của triều đình nhà Lê…
Bâng khuâng lật lại Lịch triều hiến chương loại chí của sử gia Phan Huy Chú để biết thêm vua Lê Dụ Tông (1705–1729) đã ra một chỉ dụ quy định các quan từ thượng thư, ngự sử trở xuống chỉ được dùng “bát đĩa hàng Trung Quốc bịt thau, cấm vẽ rồng lân phượng” còn các chức quan từ “hoa văn học sinh, án lại, xá nhân…” trở xuống thì dùng “bát đĩa hàng Nam”. Chỉ dụ này chứng tỏ rằng vào thời Lê Dụ Tông, người Việt đã đặt làm đồ sứ theo mẫu của mình đưa ra (vì thế mới có lệnh “cấm vẽ rồng lân phụng”) ở Trung Hoa. Dựa vào điều này thì có thể thấy vào đời chúa Trịnh Căn (1682–1709) chúa Trịnh Cương (1709–1729) thì người Việt Nam đã ký kiểu đồ sứ tại Trung Hoa với các hoa văn, mẫu mã do người Việt vẽ ra.
Viết đến đây đâm nhớ tiếc, phải chi các nhà chép sử chi tiết hơn, tò mò hơn để biên kỹ cái đoạn các đoàn sứ thần thời Lê Trịnh trong đó có các họa sĩ người Việt theo cùng dừng lại ở tập đoàn gốm sứ Cảnh Đức trấn thuộc tỉnh Giang Tây bên Trung Hoa. Những nghệ sĩ khéo tay người Việt sẽ theo một quy trình một hợp đồng tổng thể và chi tiết chế tác ĐSKK với ông chủ cơ sở sứ trấn Cảnh Đức. Đại loại các mẫu mã ra sao? Phần thô của xương gốm hoàn thành trước khi phủ men lên thì họ vẽ, viết gì trên đó? Và gì thì gì không thể thiếu hai chữ NỘI PHỦ phía mặt sau của sản phẩm.
Phủ ở đây chớ nên hiểu theo nghĩa hẹp. Đã đành nơi ở của chúa Trịnh được gọi là vương phủ. Trong vương phủ có liêu phủ, phủ đường hay chính phủ là nơi chúa Trịnh trị vì và là nơi triều hội của các quan. Bắt đầu từ đời chúa Trịnh Tùng, vương phủ trở thành trung tâm quyền lực của bộ máy hành chính, tư pháp lẫn quân sự. Để đánh dấu tầm quan trọng, sau khi đặt lục phiên trong vương phủ, chúa Trịnh Cương đã tự gọi nơi ở mình là nội phủ, tương ứng với nội điện là cung vua.
Từ nội phủ xuất hiện trong nhiều văn bản thuộc các thế kỷ XVIII–XIX, với hàm ý chỉ vương phủ của chúa Trịnh. Nên nhớ, đồ sứ mang hiệu đề Nội phủ thị… của chúa Trịnh không phải là đồ ngự dụng trong cung điện của vua Lê! Bởi cung điện của vua Lê, chính sử vẫn chép chuẩn là nội điện hay nội cung. Còn từ phủ ở Việt Nam được dùng cho nơi ở của các thân vương, thân công, hoàng tử, quan chức cao cấp của triều đình. Như từ phủ đệ chẳng hạn. Nơi ở của chúa Trịnh Giang khi còn làm Tiết chế là phủ Điện Quốc. Chỗ ở của Trịnh Doanh và Trịnh Sâm trước khi lên ngôi chúa là phủ Lượng quốc. Rồi đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh (tỉnh – phủ – huyện) cũng gọi là phủ. Ai dám chắc ĐSKK mang hiệu đề Nội phủ từ vương phủ không lưu lạc sang những phủ đệ tầm cấp thấp hơn?
Một món đồ sứ ký kiểu thời Lê Trịnh (ảnh TL).
Hậu thế không thôi bâng khuâng mỗi khi lần giở hay thưởng lãm những món đồ sứ mỏng tang, trong veo, men bóng lọng nuột nà của thời Lê Trịnh. Những món ấy lấp lánh hai nhóm hiệu đề: Nội phủ và Khánh xuân. Nhóm Nội phủ gồm các hiệu đề: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị đông, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị bắc và Nội phủ thị đoài. Nhóm hiệu đề Khánh xuân có các hiệu đề Khánh xuân và Khánh xuân thị tả (phổ biến hơn) và Khánh xuân (chỉ xuất hiện trên những chén trà kích thước nhỏ). Cả hai kiểu hiệu đề Khánh xuân và Khánh xuân thị tả bằng màu lam dưới lớp men phủ trong suốt làm ngẩn ngơ bao thế hệ người Việt có lòng hiếu cổ!
Những người thợ khéo Đại Việt đã thổi hồn Việt vào ĐSKK. Như chiếc đĩa Nội phủ thị trung đời Trịnh Cương (1709–1729), một trong những sáng tạo tiên phong của ĐSKK. Nghệ nhân đã thay đổi biểu tượng quả cầu lửa tượng trưng cho mặt trời thiên tử của Tàu bằng chữ Thọ tròn để nhấn mạnh mối quan hệ với truyền thuyết về vua Đinh Tiên Hoàng. Rồi sang đời Trịnh Giang (1729–1740) các món đồ thể hiện sự trang trọng với các đề tài rồng, lân và phụng. Nhưng khác Trung Hoa, các linh vật rồng, lân, phụng trong trang trí của người Việt luôn được thể hiện với dáng điệu sống động, biểu cảm. Như tinh thần của vua Lê Dụ Tông đã quán triệt, con rồng trên ĐSKK thời này không bao giờ xuất hiện toàn vẹn vì thân hình của nó ẩn trong các đám mây và uốn lượn ở cả trong và ngoài thành đĩa. Những sáng tạo này được đánh giá cao và tiếp tục thực hiện đến thời Trịnh Sâm (1767–1782).
Đời Trịnh Sâm, chủ đề trang trí trên ĐSKK tiếp tục được bổ sung. Ngoài các đồ án cổ điển, ĐSKK thời kỳ này còn được trang trí bằng các chủ đề thiên nhiên, điểm xuyết vài nhân vật, các loài muông thú, cây cỏ…
Đã có sự lầm lẫn khi cho rằng các chữ trung, tả, hữu, đoài, đông, nam, bắc trong Nội phủ thị… là những “phó từ chỉ nơi chốn chỉ vị trí cung (chúa)”, nhưng vào thời chúa Trịnh, những chữ này thể hiện tước vị hoặc cấp bậc. Chẳng hạn: Đông cung là tước vị của vương thế tử, Tây cung là danh hiệu của Chính phi Nguyễn Phúc Ngọc Tú, phu nhân của chúa Trịnh Tráng. Thứ bậc của các cung phi trong phủ chúa được xếp từ cấp Chính cung, Đông cung, Bắc cung, Nam cung đến Nhân cung. Năm 1718, chúa Trịnh Cương lập trong vương phủ 6 phiên. Đó là Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công tương ứng với Tả trung, Hữu trung, Đông, Tây, Nam, Bắc và gọi là Lục cung.
Có các món đồ ứng, xứng với các tước vị và cấp bậc những Nam, Bắc, Tây, Đông. Thế còn Tây? Hóa ra chữ Tây phạm húy với tước hiệu của chúa Trịnh Tạc (Tây vương Trịnh Tạc) Và chữ Đoài đã được thay thế để chỉ những món đồ có tên Nội phủ thị đoài! Cũng mở ngoặc thêm, hồ Tây thời Lê Trịnh từng gọi là Đoài Hồ. Tỉnh Sơn Tây được gọi là Xứ Đoài!
Vô số ĐSKK thời Lê Trịnh đã bị thất tán với nạn chảy máu cổ vật lâu nay. Ngay tại kho lẫm của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế được coi là trung tâm chứa đồ sứ Việt Nam ký kiểu tại Trung Hoa từ 1804 đến 1924 cũng chỉ còn hơn 2 ngàn món. May trong đó có phân nửa là ĐSKK thời Lê Trịnh. Bảo tàng Vương Hồng Sển cũng nhanh tay gom được một ít.
May thay chữ phủ thời Lê Trịnh đã không khuôn, riệt vào vương phủ nhà chúa! Vậy nên ĐSKK lâu nay vẫn còn lẩn lút, hẩm hút lác đác trong dân gian. ĐSKK xuất hiện đây đó trong bộ sưu tập của nhiều nhà sưu tập, bảo tàng tư nhân ở Việt Nam. Những người có lòng hiếu cổ không khó khăn lắm đều có điều kiện để tìm hiểu thưởng lãm.