Ngày 28/7, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng tuyển sinh đầu vào đại học (điểm sàn) 2016. Theo đó, điểm sàn xét tuyển Đại học năm 2016 là 15 điểm, ngưỡng cho Cao đẳng là tốt nghiệp THPT.
Ngưỡng xét tuyển ĐH năm nay bằng ngưỡng xét tuyển ĐH năm 2015.
Trong kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên được tổ chức năm 2015, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH là 15 điểm cho tất cả các tổ hợp môn xét tuyển, của CĐ là 12 điểm. Như vậy, ngưỡng xét tuyển ĐH năm nay bằng ngưỡng xét tuyển ĐH năm 2015.
Xem xét nhiều tiêu chí để đưa ra ngưỡng
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Trong ngày hôm qua, Hội đồng tư vấn điểm sàn, gồm 27 thành viên đến từ các trường ĐH lớn khác nhau, cả công lập và ngoài công lập đã cùng họp tư vấn cho Bộ trưởng xem xét quyết định về ngưỡng đảm bảo chất lượng ĐH.
Việc xác định này dựa trên các yếu tố. Thứ nhất, phải xem xét điểm trung bình của các khối thi năm nay, xem ngưỡng đảm bảo đó có được xã hội chấp nhận hay không, nghĩa là phải làm sao để trung bình mỗi môn được 5 điểm.
Trong những năm thực hiện kỳ thi ba chung chưa năm nào vượt ngưỡng 15 điểm, bởi vì phổ điểm bao giờ cũng nằm lệch phía điểm thấp. Đến những năm đổi mới thi, trong năm ngoái và năm nay đã có những môn lệch phía điểm cao. Năm nay khối A khá cao về phía tay phải, khác hẳn những năm ba chung. Có thể nhận định, phổ điểm năm nay thuận lợi cho các trường làm công tác xét tuyển, chỉ trừ môn ngoại ngữ lệch về phía điểm thấp.
Xem xét thứ hai ông Ga đưa ra khi cân nhắc ngưỡng điểm sàn, là chỉ tiêu. Chỉ tiêu bây giờ không phải chỉ tiêu như thời bao cấp, nhà nước giao chỉ tiêu, thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ. Mà chỉ tiêu hiện nay xét theo năng lực đào tạo tối đa của trường. Trường có thể sử dụng hết năng lực hoặc cũng có thể không, căn cứ trên số giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất... Nên việc tuyển đủ chỉ tiêu hay không cũng không có gì đáng quan ngại.
Xem xét thứ ba, phụ thuộc vào phương thức tuyển sinh của các trường. Hiện nay có hơn 100 trường ĐH tuyển sinh theo phương pháp xét học bạ phổ thông, như vậy là có khoảng 102 nghìn thí sinh sẽ xét học bạ, trên tổng số chỉ tiêu theo các trường đăng ký là 420 nghìn. Đồng thời, cũng còn 320 nghìn tuyển bằng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy ngưỡng cũng phải đảm bảo nguồn tuyển cho thí sinh này.
Xem xét nữa là xác định các tổ hợp xét tuyển của các trường, thi ba chung chỉ có 5 tổ hợp truyền thống A, A1, B, C, D. Năm nay các trường có thể bổ sung nhiều tổ hợp mới, tối đa mỗi ngành 4 tổ hợp, nhưng chỉ tiêu tuyển các tổ hợp truyền thống không được dưới 50%. Hội đồng xác định chỉ tiêu ứng với 5 khối truyền thống này thôi, nên nguồn tuyển dư ra nhiều so với nguồn tuyển theo 5 khối thi truyền thống…
Trên cơ sở đó, Hội đồng điểm sàn đã thảo luận kỹ để có phương án tốt nhất. Bộ cũng đã đưa ra các phương án để thảo luận công khai, ví dụ như đưa ra mức điểm trên và dưới mức điểm sàn năm ngoái 0,5 điểm để tổ tư vấn cùng thảo luận.
Tuy nhiên, kết quả là “chưa bao giờ cuộc họp có sự thống nhất cao như năm nay, tất cả các thành viên đều chọn ngưỡng 15 điểm cho tất cả các khối thi. Về mức điểm sàn này Bộ cũng băn khoăn là có hơi cao so với thực tế không, nhưng các trường vẫn quyết định đảm bảo chất lượng là chính, chứ không chạy theo chỉ tiêu. Vì vậy nên ngưỡng 15 điểm sẽ là ngưỡng cho tất cả các khối. Các trường dù có tuyển sinh đủ hay không đủ chỉ tiêu cũng sẽ hài lòng” – Thứ trưởng Ga cho biết.
Không thiếu nguồn tuyển
Có nhiều ý kiến cho rằng: Điểm tiếng Anh năm nay đã cho thấy kết quả rất thấp, các trường tuyển sinh bằng tổ hợp thi có môn tiếng Anh có lẽ sẽ gặp khó khăn về nguồn tuyển?
Về điều này, Thứ trưởng Ga khẳng định: Trước đây, tiếng Anh là môn tự chọn để những thí sinh có năng khiếu thì đăng ký vào. Từ năm 2015 trở lại đây thì tiếng Anh mới là môn bắt buộc, nghĩa là tất cả các thí sinh đều phải thi ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Từ việc có một số ít thí sinh thi đến tất cả các thí sinh đều phải thi là bước phát triển rất dài cho dạy học ngoại ngữ ở các nhà trường. Vì vậy nên việc thay đổi về chất lượng cũng cần phải có thời gian. Hiện nay tất cả đều phải thi nên có những em thì học giỏi, có những em học không tốt nên phổ điểm chung thấp.
Tuy nhiên số lượng thí sinh thi tiếng Anh rất lớn, nên số thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên cũng rất đông, mặc dù phổ điểm lệch phía điểm thấp. Vùng tuyển khối D không phải hẹp nên các nhà trường cũng đừng lo lắng quá.
Còn đối với vùng đặc biệt khó khăn, trước đây Bộ đã có cơ chế đặc biệt để tạo thuận lợi. Đó là, nếu các em học các trường trong vùng thì “điểm sàn” được giảm 1 điểm so với mức chung. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục cân nhắc.
Trường hợp các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cho rằng không cần giảm điểm thì Bộ cũng không áp dụng. Ngược lại, nếu 3 Ban chỉ đạo nói trên có ý kiến giảm điểm, Bộ sẽ xem xét và áp dụng như năm ngoái.
Đồng thời, để khẳng định cho việc đủ nguồn tuyển, Thứ trưởng Ga cũng cho biết thêm: Với phương án ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 15 điểm, hệ số tối thiểu dôi dư là 1,27. Còn nhiều trường tuyển các khối khác nữa nên nguồn tuyển rất dồi dào.