Điểm sáng 'vốn ngoại' sau đại dịch

Lê Anh 02/04/2022 09:00

Dù thường xuyên nằm trong top đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thế nhưng TPHCM lại đang phải đứng trước thách thức lớn. Đó là các dòng “vốn ngoại” vẫn chủ yếu được đầu tư vào nhóm lĩnh vực khai thác tài nguyên thô, như kinh doanh bất động sản, bán buôn - bán lẻ, dịch vụ du lịch. Trong khi đó, thành phố đang rất muốn hiện đại hóa ngành công nghiệp, nhất là công nghệ cao.

Công viên phần mềm Quang Trung TPHCM là đô thị phần mềm (software city) sớm nhất cả nước được nhiều nhà đầu tư rất quan tâm. Ảnh:QTSC

“Điểm sáng” giữa đại dịch

Từ nửa cuối năm 2021 đến quý I năm nay, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM báo cáo nhiều con số ấn tượng. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư TPHCM, dù là địa phương chịu tác động nặng nề và từng là tâm dịch Covid-19 lớn nhất nước nhưng chỉ tiêu quan trọng về thu hút FDI của TPHCM vẫn cao hơn cùng kỳ. Đáng chú ý, năm 2021 là thời điểm dịch bệnh gây tổn thương nhiều nhất tới nền kinh tế thành phố nhưng thu hút FDI đã tăng rất nhanh.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM là 3,74 tỷ USD, gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Và, nếu chỉ tính riêng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư thì số vốn của cả năm 2021 đạt tới 1,81 tỷ USD, tăng tới gần 54% so với năm trước.

Năm 2022, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, song ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố vẫn rất tự tin cho quá trình phục hồi nền kinh tế đầu tàu. Trong đó, từ đầu năm các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức đã được yêu cầu từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để lắng nghe, trao đổi cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục khó khăn của dịch bệnh để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo ông Hoan, mục tiêu nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI được thành phố đặt ra trong chính chủ đề của năm 2022, đó là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Về các ảnh hưởng do giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng lên từ đầu năm nay, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đầu tư, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho rằng, ngay khi xuất hiện các biến động kể trên, thành phố đã nỗ lực để kiểm soát và bình ổn các chuỗi cung ứng liên quan và có thể ảnh hưởng, tác động đến thành quả về thu hút đầu tư FDI của thành phố.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, thành phố đã kiến nghị với các cơ quan Trung ương về tập trung cải thiện môi trường đầu tư bằng việc đẩy nhanh tiến độ các siêu dự án về cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông như dự án đường Vành đai 3; Đề án về phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế; Đề án về cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức.

Vốn FDI: Chất lượng hơn số lượng

Công viên phần mềm Quang Trung TPHCM.

Đây là chủ đề được rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tham vấn và góp ý cho UBND TPHCM tại Hội nghị về tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2030 mới đây. Hiện dù tăng trưởng về nhiều chỉ tiêu như vốn đăng ký cấp mới, giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, thế nhưng các lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm vẫn chủ yếu tập trung vào dịch vụ kinh doanh bất động sản, bán buôn - bán lẻ, dịch vụ du lịch, vốn chỉ đơn thuần về khai thác tài nguyên sẵn có.

Báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cũng chỉ ra tiến độ xây dựng rất chậm chạp về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, dịch vụ cảng biển và logistics đã khiến các nhà đầu tư FDI chưa mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực gia tăng giá trị cao và lâu dài.

Về vấn đề này, bà Lê Thị Huỳnh Mai thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay đất giao thông của thành phố mới chỉ chiếm 8% trong khi bình quân đối với siêu đô thị như TPHCM cần khoảng 21-26%. Cũng theo bà Mai, mật độ mạng lưới giao thông của thành phố hiện cũng chỉ rất khiêm tốn ở mức 2,1km/km2 trong khi thực tế phải đạt từ 10-13km/km2. Các bất cập về hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông dù được TPHCM quan tâm cải thiện thường xuyên nhưng chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số của thành phố. Đây là thực tế mà một số nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm.

Ông Park Hyun Bae - Tổng giám đốc Công ty KCTC Việt Nam - một nhà đầu tư nước ngoài lớn tại TPHCM, cho biết, nhu cầu của doanh nghiệp khi quyết định đầu tư vào thành phố là được hỗ trợ thông thoáng về các dịch vụ khai thác kho bãi cảng và dịch vụ logistics tăng sản lượng phục vụ. Do đó, đại diện KCTC Việt Nam mong muốn TPHCM sớm hoàn thiện hạ tầng của các cảng biển, chẳng hạn như cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) và cảng Hiệp Phước (Q.7) để các nhà đầu tư thuận lợi hơn trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trong khi đó, một nhà đầu tư trong lĩnh vực vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương tại TPHCM là MSC Vietnam cũng chỉ ra rằng nhu cầu về cảng biển là một trong những mấu chốt quan trọng khi nhà đầu tư nước ngoài chú ý tới một thị trường tiềm năng. Không chỉ giúp thu hút vốn FDI nhanh hơn, mạnh hơn, các hạ tầng cảng biển hiện đại cũng sẽ giúp TPHCM đạt mục tiêu trở thành Trung tâm dịch vụ hàng hóa của Việt Nam và khu vực.

Năm 2021 là thời điểm dịch bệnh gây tổn thương nhiều nhất tới nền kinh tế TPHCM nhưng thu hút FDI đã tăng rất nhanh. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM là 3,74 tỷ USD, gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Và, nếu chỉ tính riêng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư thì số vốn của cả năm 2021 đạt tới 1,81 tỷ USD, tăng tới gần 54% so với năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm sáng 'vốn ngoại' sau đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO