Bộ GDĐT vừa công bố báo cáo đối sánh điểm thi (trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021) và điểm học bạ (trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học) của từng địa phương. Qua đây, cũng có những vấn đề đòi hỏi sự lý giải một cách hợp lý.
Cần lưu ý rằng, cách tính điểm thi và điểm học bạ mang tính phụ thuộc lẫn nhau. Điểm trung bình cả năm các môn lớp 12 được tính hệ số 3 trong công thức xác định điểm thi. Bởi vậy, khi học sinh có quá trình học tập tích cực, có điểm học bạ tốt sẽ hỗ trợ trực tiếp cho điểm thi.
Trước hết môn học Giáo dục công dân (GDCD) là môn học duy nhất có điểm thi cao hơn điểm học bạ (- 0,2 điểm). Hiện tượng này có thể do các nhà trường đã đổi mới cách dạy môn học GDCD. Môn Lịch sử có điểm đối sánh cao nhất là 2,7 điểm. Đây dường như có sự không đồng bộ giữa quá trình dạy và học và cách ra đề thi môn Lịch sử. Sự bất cập này tồn tại qua nhiều năm qua.
Tiếp theo, môn Sinh học có điểm đối sánh chỉ đứng sau điểm môn Lịch sử (2,1 điểm). Riêng môn Tiếng Anh, có phổ điểm hình yên ngựa (có hai đỉnh giải phổ) và cũng có điểm đối sánh cao, trên 1 điểm (1,2 điểm)…
Nói chung điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ của học sinh cùng phản ánh chất lượng thật về dạy và học ở các trường. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau lại cho ta kết quả bất thường, không thật khách quan. Từ đó cho ta những nhìn nhận và đánh giá chưa sát, chưa đúng với quá trình tổ chức thi cũng như kết quả tổ chức các hoạt động dạy và học ở các trường phổ thông.
Chẳng hạn cấu trúc và nội dung đề thi không chuẩn, tổ chức coi thi và chấm thi không đúng quy chế sẽ ảnh hướng rất lớn tới kết quả điểm thi. Hay quá trình tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh ở các nhà trường không sát sao, công tác quản lý chuyên môn buông lỏng dẫn đến học bạ của học sinh được “làm đẹp”…
Phải chăng các trường ĐH nên tăng cường phương thức tuyển sinh thông qua xét điểm học bạ, và không quá lệ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp? Đây là căn cứ có độ tin cậy khá cao, nhất là các trường phổ thông trong thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động thanh kiểm tra, việc đánh giá học sinh không chỉ dựa vào điểm số mà còn dựa vào đánh giá bằng nhận xét hoặc bài thực hành, sản phẩm của học sinh.
Trong Luật Giáo dục có quy định, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT phải qua một kỳ thi. Như thế Luật không quy định cứng, đây là kỳ thi Quốc gia, nên có thể phân quyền cho các địa phương tổ chức thi. Luật cũng không quy định hình thức thi nên hoàn toàn có thể dùng hình thức đánh giá năng lực thay cho hình thức thi viết truyền thống… Dựa vào những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị điều chỉnh tổ chức thi tốt nghiệp THPT như sau:
Giao các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp cho những đối tượng là học sinh chỉ cần bằng tốt nghiệp để đi làm, không tiếp tục học lên và cho những học sinh có nguyện vọng xin dự tuyển vào trường ĐH thông qua xét điểm học bạ.
Những đối tượng học sinh còn lại sẽ được tổ chức thi bằng hình thức đánh giá năng lực để công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH. Kỳ thi này sẽ rất gọn nhẹ, linh hoạt và phù hợp khi gặp những biến động như đại dịch Covid-19 đang diễn ra.