Doanh thu hàng trăm tỷ, giành nhiều giải thưởng quốc tế… thế nhưng điện ảnh Việt nhiều năm qua vẫn đang phải loay hoay để tìm những cơ hội phát triển. Ở đó, một trong những vướng mắc lớn nhất vẫn là câu chuyện “thủ tục hành chính”.
Tìm đường ra “biển lớn”
Dù có những bước tiến, song so với thế giới, nước ta vẫn là nước chủ yếu “nhập khẩu phim”. Trong khi đó việc xuất khẩu các sản phẩm thuộc ngành điện ảnh của Việt Nam ra nước ngoài, vẫn cần một chặng đường dài.
Theo các chuyên gia về lĩnh vực điện ảnh chia sẻ, hạn chế lớn nhất có thể nói là có quá ít phim Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các liên hoan phim, giải thưởng phim uy tín trên thế giới, chưa có những tác phẩm nổi bật, thiếu những nhân tài có sức hút với điện ảnh thế giới.
Bên cạnh đó, năng lực quảng bá phim ra nước ngoài của các nhà sản xuất phim tại Việt Nam còn hạn chế. Một trong những lý do khiến các nhà sản xuất Việt Nam chưa dành sự quan tâm và đầu tư cho khâu quảng bá chính là kinh phí làm phim còn hạn hẹp. Đơn cử như Việt Nam có một bộ phim truyền hình hoặc điện ảnh xuất sắc về mặt thị trường, với kịch bản cuốn hút, cách xây dựng tuyến nhân vật cá tính cùng các góc quay độc đáo, sáng tạo và khâu hậu kỳ chuyên nghiệp, Nhà nước sẽ đánh giá đây là một bộ phim có khả năng xuất khẩu. Vấn đề đặt ra là chính sách xuất khẩu như thế nào kích cầu và xuất khẩu vào các thị trường nào? Nếu đưa tác phẩm này vào một đất nước có nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh, với nhiều đối thủ cạnh tranh xuất sắc, sẽ không thể đạt được hiệu quả.
Nhìn vào mặt bằng chung, ở lĩnh vực phim do Nhà nước đặt hàng, hiện nay vẫn chưa rõ các tiêu chí về đề tài, nội dung để định hướng về sáng tác mà chỉ chung chung “thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị”. Bởi thực tế vẫn đang có quá nhiều khúc mắc trong việc áp dụng hay không Luật Đấu thầu để tuyển chọn nhà sản xuất phim đặt hàng. Trên thực tế, cả chục năm qua chưa thể áp dụng việc “đấu thầu” này, vì toàn bộ kịch bản do các hãng phim trình duyệt. Khi kịch bản được duyệt, nếu hãng trình không trúng thầu sản xuất phim thì các đơn vị sẽ rút kịch bản và dự án phim không thể thực hiện được. Hay như các bộ phim từ nguồn xã hội hoá vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu Nhà nước đặt ra.
Mòn mỏi đợi Quỹ Điện ảnh
Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, với các nền điện ảnh phát triển, đặc biệt là các loại hình phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ trên thế giới được hỗ trợ từ các Quỹ điện ảnh rất nhiều và đạt được thành công tại các liên hoan phim quốc tế. Theo đó, nếu thành lập Quỹ này thì nên lấy trọng tâm là việc lựa chọn, hỗ trợ cho các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, tạo thành dòng phim thành công từng bước tại các liên hoan phim quốc tế.
Hiện nay có thực trạng là một số phim được cho là nghệ thuật của các đạo diễn trẻ đã thành công tại các Liên hoan phim quốc tế và được dư luận tung hô nhưng dường như chưa tìm được sự đồng thuận của cơ quan quản lý. Đơn cử mới đây là trường hợp phim “Ròm” được giải cao tại Liên hoan phim quốc tế Busan bị phạt và gây xôn xao dư luận trong năm 2019 hay phim “Vị” được giải tại liên hoan phim quốc tế Berlin 2021 vừa bị cấm phổ biến.
TS Ngô Phương Lan cũng góp ý, trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, nội dung về thành lập Quỹ, mục đích của Quỹ quá dàn trải, mục tiêu hỗ trợ của Quỹ không tập trung sẽ dẫn đến không hiệu quả; việc hỗ trợ của Quỹ có những phần trùng lặp với các mục chi từ ngân sách và các hoạt động sự nghiệp của cơ quan quản lý điện ảnh. Nhất là “Hỗ trợ đầu tư xây dựng trường quay bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt” rất cần cân nhắc, vì đây là hạng mục liên quan đến quy hoạch ít liên quan đến các mục đích khác của Quỹ, do đó không khả thi.
PGS.TS Nguyễn Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ, hiện ở Việt Nam, Quỹ Điện ảnh đang tồn tại trên văn bản mà chưa có hoạt động trên thực tế. Đó là một thiệt thòi lớn đối với các nhà làm phim, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các nhà làm phim cần các nhóm chính sách toàn diện quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh chứ không chỉ tập trung vào quản lý các liên hoan phim, giải thưởng, tuần phim và thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cởi mở và có cơ chế khuyến khích các tổ chức cá nhân, các hiệp hội xã hội nghề nghiệp… quảng bá phim ảnh, bối cảnh quay phim, điều kiện thuận lợi quay phim và hợp tác làm phim tại Việt Nam ra quốc tế bằng nhiều hình thức linh hoạt và hiệu quả.
Theo chia sẻ của nhiều nhà làm phim Việt Nam: Hiện nay, tính xã hội trong phim Việt Nam ngày càng thiếu, phim của các nhà làm phim chưa đủ gần gũi với đời sống để thu hút khán giả, hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong tình thế khó khăn đó, các nhà làm phim, đặc biệt là nhà làm phim trẻ vẫn phải vật lộn với việc tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính và họ mong đợi sự vận hành của Quỹ Điện ảnh.