Mục tiêu Ðề án 79 là bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống cho 12.205 hộ (68.318 nhân khẩu), thuộc 171 bản và 14 nhóm dân cư hiện có.
Sau hơn 8 năm thực hiện Quyết định số 79/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên” (gọi tắt là Ðề án 79); đến nay, Ðề án đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét ở các bản tái định cư.
Mục tiêu Ðề án 79 là bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống cho 12.205 hộ (68.318 nhân khẩu), thuộc 171 bản và 14 nhóm dân cư hiện có. Ðến hết năm 2020 toàn vùng Ðề án có 13.434 hộ với trên 7,4 vạn người thuộc 219 bản được định canh, định cư. Ðồng thời, phấn đấu nâng giá trị thu nhập bình quân đạt 765.000 đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 75,09% (năm 2015) xuống còn 55,09% (năm 2020), giảm bình quân 4%/năm.
Ðể người dân an cư lạc nghiệp trên vùng đất mới, Ban Chỉ đạo Ðề án đã phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tiến hành khảo sát, thực địa bố trí sắp xếp được 1.016/1.079 hộ, đạt 94,16% so với mục tiêu Đề án phê duyệt (chỉ tính 31 điểm bản); tổng diện tích đất đã thu hồi 1.343 ha, bố trí đất ở cho 634 hộ với diện tích 107 ha; đất sản xuất 1.236 ha cho 528 hộ.
Ðặc biệt, cùng với thực hiện di chuyển, sắp xếp dân cư tại các điểm bản, huyện Mường Nhé và các chủ đầu tư đã thực hiện hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng quy định các chính sách theo Đề án được duyệt như: Hỗ trợ di chuyển 488 hộ, làm nhà ở bằng nguồn vốn của Ðề án cho 805 hộ; mua sắm dụng cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt cho 577 hộ; làm nhà xí hợp vệ sinh 52 hộ; hỗ trợ gạo cho 196 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới, ban đầu chưa tự túc được lương thực...
Ðể người dân yên tâm lao động, sản xuất, dựng xây cuộc sống trên quê hương mới, nhiều công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và nhu cầu đời sống nhân dân đã và đang khẩn trương được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ðặc biệt, sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp, lựa chọn các dự án cấp thiết để ưu tiên đầu tư, UBND tỉnh đã điều chỉnh Ðề án, ưu tiên lựa chọn 284 công trình để đầu tư bằng 100% nguồn vốn của Ðề án (cắt giảm 88 dự án và giảm trừ 72 dự án thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn khác).
Ðến nay, đã phê duyệt và triển khai thực hiện đầu tư 149 công trình (đạt 52,5% so với Ðề án phê duyệt); trong đó, 51 công trình đường giao thông, 44 công trình nước sinh hoạt, 28 công trình nhà lớp học và 21 công trình thủy lợi... với tổng mức đầu tư 1.071,608 tỷ đồng; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 62,43% (giảm 12,66 % so với năm 2015)...