Với chủ đề Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2015 chính thức khai mạc vào sáng ngày 1- 12 tại Hà Nội. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đây là giai đoạn Việt Nam đang cải cách thực chất thể chế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Doanh nghiệp cần chủ động, chấp nhận cạnh tranh để vượt lên. Ảnh: TL.
Năm 2015 được nhìn nhận là một năm thành công của Việt Nam khi hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ký kết Hiệp định thương mại tự với Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) và tham gia sâu vào sân chơi ASEAN khi cộng đồng kinh tế chung thành lập vào cuối năm nay. Các cơ hội kinh tế mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp vô cùng lớn.
Tuy nhiên, theo so sánh của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nhập nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh. Cùng với sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn. DN Việt Nam đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác. Vì thế đang hạn chế năng lực cạnh tranh của DN. Do đó, trong năm 2016 định hướng là sẽ thực thi các hiệp định thương mại mới, VCCI sẽ kết hợp với từng ngành hàng để trao đổi và hình thành nên các liên minh DN, thúc đẩy DN tư nhân trong nước tham gia chuỗi toàn cầu. Hỗ trợ chính sách ngành hàng thay vì các DN đơn lẻ.
Ngoài ra, có một lực cản vẫn đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp càng to càng bị kiểm tra nhiều. DN tốn khá nhiều thời gian và chi phí cho công tác kiểm tra chuyên ngành.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam - bà Sherry Boger thẳng thắn trao đổi, các cơ quan Trung ương và địa phương phải nâng cao cạnh tranh và đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục trong cung cấp dịch vụ công sao cho hợp lý, hiệu quả để giúp chuẩn bị quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bước đầu tiên cần thiết là thực hiện cam kết quốc tế và trong nước của Việt Nam đối với ý kiến công chúng về kiến nghị liên quan đến các quy định thủ tục hành chính từ công dân và DN bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian và chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
Ở góc độ khác, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham) cho rằng, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được soạn thảo dựa trên cơ sở thu thập ý kiến từ cộng đồng các nhà đầu tư. Nhưng, trên phương diện thực tiễn, luật sẽ không hiệu quả nếu không có các nghị định và thông tư hướng dẫn rõ ràng cho các nhà đầu tư và cho các cơ quan quản lý để thi hành theo chủ trương của Chính phủ.
Còn đại diện nhóm công tác Cơ sở hạ tầng bày tỏ quan ngại về quá trình cổ phần hóa DN nhà nước. Cụ thể chỉ có một số lượng nhỏ cổ phần của DNNN cũ được bán, và đôi khi những cổ phần đó được bán cho các nhà đầu tư thụ động, bao gồm cả các ngân hàng, họ sẽ không quan tâm đến việc cải thiện hiệu quả quản lý.
Ở vị trí chủ tọa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh người đầu tiên phản hồi ý kiến của DN. Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật đầu tư và Luật Doanh nghiệp không chỉ có cách tiếp cận phù hợp với Hiến pháp 2013 - tức là doanh nghiệp và người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm - mà còn chọn cách làm vô cùng khó. Đó là từ chọn cho - cho cái gì ghi trong luật, cái gì không cho thì đi hỏi và đi xin - sang chọn bỏ. Chọn bỏ có nghĩa là cái gì không cho thì ghi vào trong luật và chỉ có luật pháp mới được hạn chế, còn cái gì không ghi trong luật thì đều được làm cả. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đây là cách vô cùng khó làm, hiện nay nhiều nước chưa làm được. Khó ở chỗ luật thì chọn bỏ nhưng một số hiệp định song phương và đa phương cũng vẫn là chọn cho, vậy nên công bố ngành nghề nào cấm thì nhiều bộ chuyên ngành chưa làm được. “Nhưng, rốt cuộc sau rất nhiều tháng nỗ lực thì đến nay tất cả 6 Nghị định cùng 3 Thông tư hướng dẫn hai luật nói trên đã đươc ban hành” –ông Vinh khẳng định.
Ông Vinh cho rằng, diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như năng lực cạnh tranh của DN thấp, cải cách ở một số lĩnh vực còn chậm. Trong khi đó, Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và còn nhiều việc phải làm, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.
Giải đáp các kiến nghị về thuế phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, sẽ cố gắng rút gọn các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Riêng liên quan đến bảo hộ đầu tư, Bộ Tài chính đảm bảo trong quá trình thực thi pháp luật, sẽ đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư
Tham dự và phát biểu chỉ đạo diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận những đóng góp của cộng đồng DN và các nhà đầu tư. Phó Thủ tướng khẳng định, năm kinh tế 2015 đang dần khép lại, trong năm tới 2016, các cơ quan nhà nước còn phải làm nhiều việc để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, chất lượng hơn, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn cho DN. Phó Thủ tướng nhận định: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây là thử thách khắc nghiệt, đồng thời cũng là cơ hội của DN. Vì thế, bản thân các DN cần năng động, biết nắm bắt thời cơ, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt lên để phát triển.