Diễn đàn doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam: Thúc đẩy công nghiệp Việt lớn mạnh

Thúy Hằng 15/10/2015 08:30

Ngày 14/10, tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam được tổ chức với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là quan chức Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản và lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp hai nước. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ trọng tâm đầu tư vào 6 ngành công nghiệp mũi nhọn.

Sản xuất ôtô là một trong những lĩnh vực doanh nhân
Nhật Bản quan tâm đầu tư. (Ảnh: TL).

Mời Nhật Bản đầu tư vào 6 lĩnh vực

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nói: Việt Nam mong muốn Chính phủ, cộng đồng doanh nhân Nhật Bản tiếp tục quan tâm đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong 6 lĩnh vực điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thuỷ sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng và sản xuất ô tô - phụ tùng... và những lĩnh vực mà phía Nhật Bản có thể mạnh, phù hợp với nhu cầu phát triển, trình độ của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản để cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp trong tương lai.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn ASEAN 6 và ASEAN 4. Các giải pháp đó đã và đang phát huy tác dụng: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ năm 2012 đến nay, từ 5,1% lên đến 6,5%, sản xuất công nghiệp được phục hồi, xuất khẩu được duy trì và nền kinh tế ngày càng tỏ ra thích nghi tốt hơn với các cú sốc bên ngoài (như giá dầu giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc điều chỉnh giảm và Trung Quốc phá giá đồng tiền).

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, Hiệp định TPP được ký kết sẽ hình thành một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. Việc cùng tham gia TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam và Nhật Bản tận dụng hơn nữa những lợi thế của nhau để hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao….”

Hiện nay Nhật Bản là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam với hơn 37,7 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư. Kim ngạch ngoại thương Việt Nam – Nhật Bản tăng theo từng năm, năm 2014 đạt trên 27,6 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2015 đạt 19 tỷ USD.

Chính phủ 2 nước đã ban hành Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp (gồm: Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng và Sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô).

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khác như: nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông, môi trường, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, hình thức đầu tư PPP và các hình thức khác Nhật Bản có thế mạnh phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam.

Công nghiệp chế tạo là lĩnh vực được doanh nghiệp
Nhật Bản đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

130 công ty muốn đầu tư ở Việt Nam

Quan tâm nhiều hơn các vấn đề của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng đàm phán TPP vừa kết thúc đồng nghĩa với việc thị trường thương mại được mở rộng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh. Dù vậy, TPP không chỉ dừng lại ở giao thương hàng hóa mà đòi hỏi các nước tham gia đều phải hoàn thiện thể chế. Đặc biệt, riêng với Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ cần phải tăng tốc đổi mới thể chế mạnh mẽ hơn nữa.

“Điều quan trọng với Việt Nam, tới đây cần lựa chọn ngành công nghiệp then chốt, đầu tư con người, công nghệ một cách có trọng điểm. Ông dẫn ví dụ như dệt may, Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở khâu cuối thành phẩm, còn những sản phẩm thượng nguồn là sợi, chỉ... các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn bên ngoài. Cần đầu tư vào những khâu đầu vào, kể cả sản phẩm cuối cùng, không chỉ dừng lại việc hoàn chỉnh một chiếc áo, chiếc quần mà Việt Nam cần may hàng hiệu có giá trị gia tăng cao hơn đó mới là điều quan trọng”, ông Fukada Hiroshi nhấn mạnh.

Theo đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), để công nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa, trở thành nước sản xuất, cung cấp phụ tùng cho nước ngoài thì trước hết phải phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. JETRO sẽ thực hiện kết nối các doanh nghiệp mua - bán linh kiện - phụ tùng của hai nước.

Thêm nữa là lĩnh vực kinh doanh trong nông nghiệp, JETRO sẽ giới thiệu những sản phẩm, công nghệ mới nhất của Nhật trong lĩnh vực cơ giới hoá, nông nghiệp để doanh nghiệp hợp tác, phát triển hơn nữa.

Theo JETRO, năm 2015 trong số 521 doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có mong muốn đầu tư vào các nước mới nổi, có đến 130 công ty mong muốn đầu tư vào Việt Nam, vượt qua số 78 doanh nghiệp muốn đầu tư vào Thái Lan.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, VCCI sẽ tích cực phối hợp với JETRO và Đại sứ quán Nhật Bản để hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác cho doanh nghiệp hai nước, để Việt Nam tiến tới phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và là vành đai cung cấp nguồn nông - thuỷ sản cho Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn đàn doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam: Thúc đẩy công nghiệp Việt lớn mạnh