Chiều 2/12, Ban Kinh tế Trung ương - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo về Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: “Phục hồi và phát triển bền vững” và khai trương trang thông tin điện tử diễn đàn.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Tăng trưởng GDP Quý III năm 2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất của doanh nghiệp (DN) bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021-2025. Do đó, diễn đàn lần này sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó với dịch Covid-19 và kết quả đạt được. Từ đó, sẽ đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội về đối tượng, phạm vi, quy mô; huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo.
Liên quan đến Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, nên chấp nhận tăng nợ công và bội chi để tăng nguồn lực cho gói hỗ trợ. Trả lời vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Trong kỳ họp Quốc hội bất thường sắp tới, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống nhân dân khó khăn, Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên dịch bệnh phức tạp nên cần thiết phải đưa ra gói hỗ trợ tiếp theo.
Theo ông Thanh, ngày 5/12 tới, diễn đàn sẽ lắng nghe ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước để xem xét vấn đề này. “Bối cảnh đặc biệt cần phải có cơ chế chính sách đặc biệt. Do đó tại diễn đàn sẽ tham vấn ý kiến các chuyên gia. Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào 2 năm, nếu mỗi năm tăng thêm 1% GDP thì bội chi, nợ công, hay nợ nước ngoài vẫn trong tầm kiểm soát”- ông Thanh nói đồng thời nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là gói này phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, có trọng tâm trọng điểm cả cung và cầu. Còn độ lớn của gói thì tại diễn đàn sẽ bàn thêm về tài khóa và tiền tệ. Kinh nghiệm quốc tế là tài khóa 65%, còn tiền tệ là 35%. Còn chúng ta cần xem xét trong bối cảnh tình hình thực tế trong nước. Về nguồn sẽ cân nhắc nhưng phải trên cơ sở vay và khả năng trả nợ, bảo đảm tính khả thi, độ hấp thụ của nền kinh tế”.
Trả lời thêm, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, gói hỗ trợ phải đảm bảo đủ quy mô mới có tác dụng, nếu nhỏ quá sẽ không đảm bảo về lượng và khó đạt về chất. Quy mô thế nào thì cần tính toán. “Ví dụ trần nợ công còn nhiều dư địa, hiện là 43,7% GDP trong khi mức trần là 55%. Tuy nhiên cần có tính toán và thảo luận. Chúng ta không thể ở mức 10% như các nước nhưng cũng phải tầm 6-8% GDP”- ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, chi vào đâu cũng cần có thứ tự ưu tiên. Đơn cử, khủng hoảng từ y tế thì phải tập trung cho phòng, chống dịch, hỗ trợ người lao động và DN. Về ngắn hạn, trung hạn, cần tính các động lực nâng cao quỹ đạo tăng trưởng, và phải hỗ trợ DN trước. Nhiều DN vừa qua cũng đã đuối sức rồi, nếu không hỗ trợ sẽ phá sản, ảnh hưởng đến cả những DN lớn. Hơn 10.000 DN rời khỏi thị trường trong 1 tháng là điều rất cần quan tâm. Do đó cần cơ cấu lại nợ, tái cơ cấu trách nhiệm tài chính để DN phục hồi. Khi DN “khỏe” sẽ phục hồi và có tiền đóng thuế. Cho nên chính sách tín dụng là vô cùng quan trọng vì giảm thuế thôi là chưa đủ. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho DN.
Về vấn đề người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, ông Tuấn cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ lao động vì họ là nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng. Lao động về quê sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, do đó cần hỗ trợ cho người lao động, đảm bảo cho họ ổn định cuộc sống. Cùng với đó, chú trọng đào tạo lại lao động, xây dựng nền tảng tốt để chuyển đổi lao động.
Liên quan đến chính sách dài hạn, ông Tuấn cũng cho biết, “trụ cột” cho tăng trưởng là vốn, công nghệ cao, công nghệ thông minh gắn với phát triển kinh tế số. Dự báo năm nay GDP của chúng ta thấp, chỉ đạt 2-2,5%. Như vậy là tụt hậu so với thế giới. Do đó cần rà soát, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng.