Gần đây, ở nước ta, chứng kiến một làn sóng các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt đến các dự án điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG). Hàng loạt địa phương từng thận trọng từ chối điện than, đã rất hào hứng với điện khí LNG như: Long An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam,... Nhiều dự án điện khí khác cũng được xúc tiến.
Đáng chú ý, tổng mức đầu tư của các dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên tới nhiều nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn, dự án tại tỉnh Bình Thuận có mức đầu tư lên tới 93 nghìn tỷ đồng; dự án LNG tương tự ở Quảng Ninh cũng có số tiền đầu tư hơn 41 nghìn tỷ đồng,…
Ưu tiên số 1 vẫn là năng lượng tái tạo
Theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam cần có đủ năng lực nhập khẩu khoảng 8 tỷ mét khối khí LNG, đồng thời giảm 18 GW điện than vào năm 2030. Quy hoạch điện 8 cũng đã thay thế công suất điện than bằng khoảng 14GW điện LNG. Theo tính toán mới đây của Bộ Công thương, đến năm 2030, điện khí LNG sẽ đạt tỷ trọng 16,4% trong tổng công suất của tất cả các nhà máy điện ở Việt Nam.
Mới đây, tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết trước thế giới về việc sẽ tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, việc nâng cao "tỷ trọng" sản xuất điện với lượng phát thải càng ít càng tốt, tăng cường sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời,... sẽ là một xu hướng tất yếu.
Từ thực tế, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có tiềm năng bậc nhất châu Á.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về những thách thức của các dự án điện khí LNG kể trên, nhất là khi Khối cường quốc công nghiệp G7 (gồm Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ý) mới đây đã cam kết tăng tốc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện.
"Không dễ để điện khí LNG tạo ra bước nhảy vọt mạnh mẽ như đã từng diễn ra trong lĩnh vực điện mặt trời thời gian vừa qua", đó là thông điệp trong báo cáo mới đây của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đã đưa ra. Báo cáo cũng chỉ rõ: "Trên thế giới, các chuyên gia đều đồng thuận rằng, chi phí biên của điện mặt trời, điện gió và các giải pháp pin tích trữ sẽ ngày càng giảm trong dài hạn; trong khi, điều này không thể xảy ra với LNG và nhiệt điện khí LNG".
Điều trên gần như đồng nghĩa với việc giá bán điện từ "lò" sản xuất điện khí LNG sẽ cao. Liệu các đơn vị "mua" có chấp nhận "bao tiêu" hoặc "trợ giá" hay không? Vừa qua khi thẩm định một số dự án điện khí, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, giá bán điện khí khá cao so với mức bình quân giá điện ở Việt Nam, không khéo các chủ đầu tư sẽ lỗ lớn. Trong khi đó, cơ chế "bao tiêu" một phần hay tất cả sản lượng điện từ nhà máy điện khí LNG lại chưa thật sự rõ ràng, thậm chí không có nhiều hứa hẹn.
Chưa kể, việc xây dựng hạ tầng cảng biển để nhập khẩu khí LNG hết sức tốn kém, lại thêm biến động của tình hình thế giới sẽ khiến cho các đơn vị nhập khí LNG bị lệ thuộc vào nguồn cung bấp bênh. Thậm chí, họ có thể ép giá trong những tình huống nào đó.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ Nguyễn Linh Đan, Trường ĐH Bách Khoa, Hà Nội cho biết: "LNG hiển nhiên là đắt đỏ, nhất là khi mà chúng ta chưa có hạ tầng sẵn khi so sánh với việc sản xuất điện bằng các phương pháp khác như điện gió, điện mặt trời, thủy điện… Đấy là chưa kể, giá điện lại không tăng kịp với mức đầu tư (của điện khí LNG). Nhiều đơn vị còn đang loay hoay với năng lượng tái tạo, thì các dự án LNG khả năng còn "tồn đọng" lâu. Bên cạnh đó, khí LNG về bản chất vẫn là nguyên liệu hóa thạch (vẫn phát thải) và tài nguyên hóa thạch này vẫn cạn kiệt như thường. Giá bán khí LNG cao, và quan trọng hơn là tính khan hiếm của nhiên liệu này, đấy là chưa kể đôi khi họ còn bị "lũng đoạn" thị trường".
Điện khí LNG vẫn là một nguồn phát thải khí nhà kính
Chuyên gia năng lượng Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam nêu quan điểm, phải xem xét việc sử dụng điện khí LNG ảnh hưởng tới khả năng thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam ta về ứng phó với biến đổi khí hậu, về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 ra sao. Bởi điện khí LNG vẫn là một nguồn phát thải khí nhà kính.
"Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa nhập khẩu LNG nên không bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá LNG tăng cao đột biến trong năm 2022. Tuy vậy, biến động giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế có tác động gián tiếp đến việc phát triển các dự án LNG tại Việt Nam. Để đối mặt với khủng hoảng thiếu khí đốt, các nước châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí LNG từ nhiều nguồn, đẩy giá khí tăng đến mức kỷ lục. Điều này đã khiến một số nhà cung cấp LNG phá vỡ hợp đồng dài hạn đã ký để bán khí sang châu Âu (như trong trường hợp của Srilanka hay Pakistan)…Nhìn chung các quốc gia có thu nhập trung bình sẽ khó cạnh tranh nổi", bà Ngô Thị Tố Nhiên nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, khủng hoảng cũng khiến câu chuyện đảm bảo an ninh năng lượng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Phát triển các dự án nhà máy điện chạy bằng LNG đồng nghĩa với việc tăng mức độ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu; và theo đó, thị trường nội địa phải đủ linh hoạt để đáp ứng theo sự biến động về giá trên thị trường năng lượng quốc tế. Các nước châu Âu đã phải đối mặt với điều này với các hậu quả của nó đến kinh tế xã hội như giá điện tăng cao kỷ lục kéo theo lạm phát trầm trọng trong năm vừa qua. Do vậy, khi xem xét đến vấn đề phát triển LNG ở Việt Nam cần đặc biệt cân nhắc đến các yếu tố để có thể tránh rủi ro...".
Xu hướng của thế giới là tiến tới loại bỏ hoàn toàn các hình thức sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch. Xu hướng đã có, lộ trình đã có (Nghị quyết của Bộ Chính trị, cam kết của Việt Nam trước quốc tế về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050), nhiệm vụ của chúng ta là thực thi nhiệm vụ, bằng tất cả mọi nỗ lực, để vừa có được an ninh năng lượng, vừa có được phương pháp phát điện "sạch" nhất cho môi trường. Với sự phát triển của công nghệ, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… đang là con đường được nhân loại tiến bộ đón chào nhất.
Bằng chứng thuyết phục nhất cho điều này là: Ngày 15 tháng 5 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Phát triểnnăng lượng tái tạo có thể là một trong những giải pháp thay thế quan trọng giúp Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050. Một số tổ chức đã và đang nghiên cứu lộ trình hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo 100%, ví dụ WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) gần đây đã công bố kịch bản hướng tới 100% năng lượng tái tạo cho Việt Nam vào năm 2050.