Điều chỉnh thuế suất thuế với nhiều loại tài nguyên

H.Vũ 10/12/2015 22:40

Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Theo đó thuế suất của vàng sẽ tăng từ 15% lên 17%. Trước đó qua thảo luận nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc giảm thuế suất tài nguyên đối với nhóm sản phẩm rừng tự nhiên, bởi dễ khuyến khích chặt phá rừng.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp.

Qua thảo luận, các ý kiến bày tỏ quan điểm thống nhất với việc tách bạch giữa việc điều chỉnh chính sách thuế với công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, buôn bán tài nguyên; không vì quản không được mà tăng thuế. Bên cạnh đó, chính sách thuế cần theo hướng bảo vệ được tài nguyên, môi trường; đồng thời tạo điều kiện khuyến khích người dân giữ rừng thông qua việc khai thác có hiệu quả các sản phẩm phụ dưới tán rừng.

Về thuế suất đối với nhóm sản phẩm rừng tự nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tài chính ngân sách không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm 1,2,3 đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên. Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân. Đồng thời, với mức giảm thuế tài nguyên theo báo cáo của Chính phủ là không lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, Quốc hội đã giám sát tối cao về quản lý đất đai tại nông lâm trường, kiểm điểm đánh giá thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, tổng mức giảm từ đây không lớn chỉ có 6,9 tỷ đồng, chưa được 7 tỷ đồng. “Trong điều kiện quản lý khai thác rừng chưa tốt mà tiếp tục giảm, như vậy có khuyến khích người dân chặt phá rừng?”-Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng: Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân.

Trong khi đó, đối với thuế suất thuộc nhóm khoáng sản không kim loại, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khoáng sản phi kim loại cần tính kỹ tác động như khai thác cát đen trên sông rất ảnh hưởng tài nguyên môi trường. Giờ tăng thuế suất khai thác cát thì lại làm cho tình trạng khai thác lậu gia tăng, mà thu thêm cũng chẳng được bao nhiêu. Cho nên giữ như mức hiện nay thậm chí có thể giảm. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, thuế suất đối với khoáng sản không kim loại cũng phải tính thêm. Thực trạng là khai thác lãng phí không theo quy hoạch, nhưng là yêu cầu thực tế. Không vì không quản được mà tăng thuế cho nên chưa nên tăng. Không khéo thiệt nhiều hơn lợi.

Trên tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Qua đó quyết định giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành đối với các sản phẩm gỗ nhóm 1, 2, 3 đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên. Còn các loại tài nguyên khác được điều chỉnh tăng lên như Tờ trình của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh thuế suất thuế với nhiều loại tài nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO