Xét xử sơ thẩm vụ án tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) đã khép lại vào chiều 20/4, sau hơn một tuần xét xử và nghị án. Tòa đã tuyên rõ hình phạt đối với tội trạng của 19 bị cáo.
Về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (theo quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) có 14 bị cáo. Trong đó, về phía TISCO, bị cáo Trần Trọng Mừng (72 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc TISCO, với vai trò “đầu vụ”) 9 năm, 6 tháng tù. Với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 có 5 bị cáo phía VNS, Hội đồng xét xử cũng đã tuyên rất rõ ràng. Nhìn chung các bị cáo đều “tâm phục khẩu phục”.
Cùng với số năm tù, ở vụ án này còn nổi lên việc các bị cáo phải bồi thường số tiền rất lớn. Tòa yêu cầu các bị cáo phải bồi thường cho TISCO số tiền hơn 830 tỉ đồng, là tiền lãi phải trả cho ngân hàng do những sai phạm mà các bị cáo gây nên. Các bị cáo phải bồi thường lần lượt: Trần Trọng Mừng 130 tỉ đồng; Trần Văn Khâm 120 tỉ đồng; Ngô Sĩ Hán 90 tỉ đồng; Đặng Văn Tập 70 tỉ đồng; Đồng Quang Dương 50 tỉ đồng; Đỗ Xuân Hòa 40 tỉ đồng; Uông Sỹ Bính 30 tỉ đồng; Lê Thị Tuyết Lan 20 tỉ đồng; Mai Văn Tinh 80 tỉ đồng; Đậu Văn Hùng 60 tỉ đồng; Nguyễn Trọng Khôi 40 tỉ đồng; Đặng Thúc Kháng 30 tỉ đồng; Trịnh Khôi Nguyên 25 tỉ đồng; Nguyễn Văn Tráng 15 tỉ đồng; Nguyễn Chí Dũng 6 tỉ đồng; Hoàng Ngọc Diệp 6 tỉ đồng; Đoàn Thu Trang 6 tỉ đồng; Lê Phú Hưng 6 tỉ đồng; Nguyễn Minh Xuân 6 tỉ đồng.
Như vậy là cùng với việc phải “bóc lịch” trong nhà giam thì các đối tượng phạm pháp đã bị buộc phải bồi thường số tiền rất lớn. Đáng chú ý, mức đền bù này không phải là tội danh tham nhũng, chiếm đoạt tài sản mà là tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” hoặc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Không xác định các bị can rút ruột ngân sách, đục khoét ngân sách nhưng vẫn phải đền vì những tội lỗi do mình gây ra. Đó là bản án nghiêm khắc dành cho những bị can của một “đại án” gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua.
Có thể nói rằng, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự tha hóa, vi phạm pháp luật của một số cán bộ có chức có quyền chính là từ lòng tham. Vì đồng tiền họ đã bán rẻ lương tâm, danh dự. Vì thế, cùng với việc bỏ tù còn buộc họ phải đền bù số tiền rất lớn sẽ khiến các đối tượng đang rắp tâm làm bậy sẽ chùn bước. Bỏ tù và buộc phải đền bù chính là hai gọng kìm siết chặt, tác dụng trừng phạt cũng như răn đe sẽ rất lớn.
Trong vụ này, chỉ ví dụ riêng với bị cáo Trần Trọng Mừng, đã 72 tuổi, mà vẫn phải “quy án” 9 năm, 6 tháng tù; đồng thời buộc phải đền bù 130 tỉ đồng. Không biết trong thời gian nắm quyền, bị cáo này “ăn” được bao nhiêu nhưng 130 tỉ đồng phải “nhả ra” thì thật không một chút dễ dàng. Còn tổng số 19 bị cáo bị buộc phải trả lại 830 tỉ đồng, như người ta nói rằng với số tiền đó cả một dòng họ ăn đến 3 đời không hết.
Mới thấy những kẻ sâu mọt ăn tàn phá hại đến mức nào. Và pháp luật cũng rất công mình, rất nghiêm khắc. Người xưa nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt” cũng chính là thế.
Phiên xét xử sơ thẩm đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn đó. Một trong những điều được dư luận rất quan tâm trong vụ việc xảy ra tại TISCO và VNS là chuyện “thấy sai vẫn làm”. Lãnh đạo TISCO thì nói rằng đã báo cáo với VNS (cơ quan quản lý trực tiếp). VNS lại nói rằng đã báo cáo với Bộ Công thương (bộ chủ quản). Báo cáo gì? Báo cáo rằng nhà thầu chính (MCC) đã vi phạm hợp đồng, cần dừng lại không tiếp tục.
Nhưng rồi, đáng tiếc thay, lại vẫn cấp vốn cho dự án để rồi biết bao tiền của dân của nước “mất hút”. Phải chăng do cấp trên chưa “tuýt còi” nên cấp dưới nhất nhất tuân theo, biết sai vẫn làm. Cách hành xử như vậy trước sau gì cũng dẫn tới hậu quả xấu, có khi là rất nghiêm trọng. Những người lãnh đạo TISCO, kể cả VNS chắc chắn là những người thông tỏ pháp luật, vì sao không kiên trì “can gián” cấp trên. Phải chăng là sợ bị mất “ghế”, hay là cứ nhắm mắt làm để trục lợi?
Dư luận cũng cho rằng, đối với bản án dành cho các đối tượng sai phạm tại TISCO và VNS là đúng người, đúng tội, nhưng còn trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Bộ Công thương (lúc đó) cũng phải được đặt ra. Vì nếu, với một dự án “tiền tấn” phát sinh vấn đề, nếu bộ chủ quản “tuýt còi” thì cấp dưới không thể triển khai.
Theo Hội đồng xét xử, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cùng chứng cứ có trong hồ sơ, tòa nhận thấy cần kiến nghị xem xét hành vi của bộ chủ quản (Bộ Công thương) của TISCO và VNS trong việc đưa ra các chủ trương, quyết định không đúng quy định pháp luật, đồng thời giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực để thực hiện phần C. (xây lắp) của hợp đồng EPC số 01.
Như vậy, từ kiến nghị của Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm đối với 19 bị cáo thuộc TISCO và VNS, dư luận trông đợi vụ án chưa khép lại, cần tiếp tục điều tra làm rõ. Mà cụ thể là lãnh đạo Bộ Công thương lúc bấy giờ phải có trách nhiệm trả lời.