Hàng trăm hộ nông dân điêu đứng do ảnh hưởng khói bụi từ lò gạch thủ công, nhưng ngành chức năng địa phương lại không có biện pháp giải quyết triệt để. Thực trạng đang xảy ra tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà và xã Bình Dân của huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Lò gạch thủ công ở xã Bình Dân vẫn ngang nhiên hoạt động.
Mất mùa vì khói lò gạch
Gần chục năm nay, hai cặp lò gạch thủ công của hộ ông Nguyễn Văn Lớn nằm sát con sông Văn Úc thuộc xã Bình Dân (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) liên tục nhả khói khiến nhân dân hai xóm Minh Tân và Minh Phúc (thuộc thôn Thiện Trang, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà) bị thiệt hại nặng nề.
Theo người dân, trước đây vùng này có gần chục cặp lò gạch hoạt động nhưng các chủ lò đã tự chuyển sang công nghệ làm gạch mới, giờ chỉ còn 2 cặp lò gạch của ông Nguyễn Văn Lớn hoạt động theo công nghệ cũ bất chấp pháp luật, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân địa phương.
Đất đai ven sông của thôn Thiện Trang rất phì nhiêu, màu mỡ nên cây chuối, cây ổi ở đây quanh năm tươi tốt và luôn có những mùa thu hoạch bội thu. Nhưng từ khi lò gạch thủ công hoạt động thì cây cối héo úa, chết dần, chết mòn. Đặc biệt, khoảng 2 tháng trở lại đây, khi các vườn ổi của người dân đang trong thời kỳ ra quả non thì bị khói bụi lò gạch. Vài chục ha vườn ổi của nhân dân bị thiệt hại trong đó có nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.
Từ năm này qua năm khác, lò gạch thủ công vẫn hoạt động và cây trồng của bà con nông dân vẫn cứ tiếp tục bị ảnh hưởng. Rầu rĩ bên vườn ổi đang cho quả non nhưng bị cháy xém, ông Mạc Văn Kiên (người dân thôn Thiện Trang) cho biết, vườn ổi bị thiệt hại của gia đình ông Kiên lên tới 1,6 ha.
“Bao nhiêu tiền đầu tư, bao nhiêu công chăm sóc chờ vườn ổi đến ngày thu hoạch thì bỗng nhiên bị mất trắng…”, ông Kiên thở dài.
Không chỉ gây thiệt hại đến cây trồng, khói bụi lò gạch thủ công nơi đây còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
“Do hít khói bụi độc hại từ lò gạch thủ công trong thời gian dài nên hầu hết người dân đều mắc các bệnh liên quan đến hô hấp như viêm mũi, viêm xoang… đặc biệt là người già và trẻ em có sức đề kháng yếu. Cứ để tình trạng này tiếp diễn, nông dân chúng tôi sẽ sạt nghiệp mất…”, bà Linh, một người dân thôn Thiện Trang than thở.
Bao giờ mới được đền bù?
Theo thống kê của UBND xã Thanh Xuân, thôn Thiện Trang có 6 khu đồng trồng ổi với diện tích gần 148.000 m2 bao gồm 104 hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề sau vụ việc ô nhiễm khói lò gạch. Cũng theo tính toán của xã Thanh Xuân, sản lượng và tổng giá trị thiệt hại của nông dân thôn Thiện Trang là gần 1,4 tỷ đồng.
Cây trồng bị thiệt hại, mất mùa nhiều tháng nay, người dân thôn Thiện Trang liên tục làm đơn kiến nghị, khiếu nại lên nhiều ngành chức năng nhưng kết quả chẳng đi tới đâu. Quá bất bình, mới đây, gần 60 hộ dân thôn Thiện Trang làm đơn tập thể lên tận UBND tỉnh Hải Dương và Sở TN&MT kêu cứu.
Trước sự bức xúc cao độ của người dân, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương mới cử đoàn công tác xuống hiện trường kiểm tra và ghi nhận những phản ánh của người dân là đúng.
Do đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo đình chỉ hoạt động lò gạch thủ công của ông Nguyễn Văn Lớn đồng thời lên kế hoạch bồi thường cho bà con nông dân ở thôn Thiện Trang bị thiệt hại. Tuy nhiên, sau đó, lò gạch của ông Lớn vẫn hoạt động. Về vấn đề trên, theo ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Rất nhiều lần chúng tôi đã gọi sang UBND xã Bình Dân, mong xử lý khói bụi ảnh hưởng từ lò gạch bên đó nhưng vẫn chưa tìm được cách giải quyết”.
Về phương án bồi thường thiệt hại cây trồng cho nhân dân thôn Thiện Trang, theo tính toán của chính quyền xã Thanh Xuân thì thiệt hại của người dân lên đến tiền tỷ. Thế nhưng, theo người dân thôn Thiện Trang, số tiền bồi thường thực tế đến tay người dân chỉ có khoảng 400 triệu đồng. Do mức bồi thường chênh lệch quá lớn so với thiệt hại thực tế nên nông dân thôn Thiện Trang không chấp nhận và tiếp tục làm đơn khiếu nại đến các ngành chức năng.
Ngày 29/10/2015, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cùng nhiều ngành chức năng đã tổ chức họp bàn phương án bồi thường thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, các bên liên quan không thống nhất được cách giải quyết. Đáng chú ý, tại cuộc họp, đại diện lò gạch của ông Nguyễn Văn Lớn đã không chấp nhận cách tính bồi thường thiệt hại của UBND xã Thanh Xuân rồi bỏ về. Từ cuộc họp đó đến nay, người dân cứ kêu nhưng vẫn chưa được đền bù thiệt hại, và lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động.
Người dân thôn Thiện Trang mong các ngành chức năng tỉnh Hải Dương cần áp dụng biện pháp mạnh, buộc chủ lò gạch thủ công phải dừng hoạt động và bồi thường thỏa đáng cho nhân dân.