Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc?

Khánh Duy 27/08/2015 10:10

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục trong tình trạng sụt giảm ghê gớm kể từ sau mức tụt dốc kinh hoàng trong “ngày thứ Hai đen tối”, kéo theo chấn động đến nhiều thị trường toàn cầu. Những diễn biến trên khiến giới phân tích quan ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển chậm lại, trong khi sự bền vững cũng có thể bị phá vỡ.

Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc?

Chứng khoán Trung Q­­­uốc đang trong tình trạng dễ đổ vỡ
dù Chính phủ nước này đưa ra nhiều biện pháp.

Nguồn:Reuters

Chính phủ Trung Quốc hiện đang gồng mình trong những nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng dễ đổ vỡ đang xảy ra trong tuần này với thị trường chứng khoán, gây chấn động đến hàng loạt thị trường trên toàn cầu. Sau khi chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải giảm đến 8,48% trong “ngày thứ Hai đen tối”, mức giảm tồi tệ nhất trong vòng 8 năm qua, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải đưa ra hành động khẩn cấp.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), sau khi đã phá giá đồng nội tệ hồi tuần trước, đã tiếp tục cắt giảm tỷ lệ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho phép các ngân hàng trong nước cho vay nhiều hơn. PBOC cũng đã bơm 150 tỷ Nhân dân tệ (23,4 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ nhằm giảm căng thẳng tính thanh khoản trong thị trường nhưng giới chuyên gia cho rằng vẫn không có tín hiệu lạc quan.

Mục đích ngắn hạn mà PBOC nhằm vào là cho phép sàn chứng khoán Thượng Hải lấy lại sự ổn định và phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư đối với sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Nhưng các động thái trên dường như đã không thể chữa trị được tận gốc vấn đề của nền kinh tế, mà chỉ tập trung giải quyết những “triệu chứng” của các vấn đề. Như nhiều nhà phân tích đề cập, những diễn biến trong suốt 2 năm qua và chứng khoán sụt giảm trong “ngày thứ Hai đen tối” đã chỉ ra rằng có khả năng nền kinh tế Trung Quốc đang đi chệch hướng.

Tỷ lệ tăng trưởng dự báo của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm, và điều này đã có dấu hiệu từ trước đó. Nguyên nhân dẫn đến chứng khoán sụt giảm mạnh hôm đầu tuần, cũng được giới phân tích cho là bắt nguồn từ khoảng trung tuần tháng 6 vừa qua. Xét về cơ bản, nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế có đà tăng trưởng dựa chủ yếu vào xuất khẩu sang nền kinh tế dựa vào sức mua của người dân, là chưa thành công.

Những tín hiệu bất ổn xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc kể từ hồi tháng 6 đến nay cho thấy nỗ lực chuyển đổi chưa đạt kết quả. Dù rằng chính sách tiền tệ được sửa đổi đã giúp giải quyết một số vấn đề ngắn hạn – như ngăn chặn tình trạng chảy vốn ra nước ngoài nhờ phá giá đồng nội tệ – nhưng các vấn đề cơ bản của nền kinh tế thì vẫn bỏ ngỏ. Theo giới chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc đã nhận biết được những vấn đề mà nền kinh tế của họ đang phải đối mặt, nhưng lại chưa đủ nỗ lực trong tiến trình cải cách nền kinh tế.

Nhiều người từng cho rằng những tín hiệu tồi tệ của nền kinh tế hồi tháng 6 vừa qua sẽ khiến lãnh đạo Trung Quốc ngừng việc quá tập trung vào tỷ lệ tăng trưởng GDP, thay vào đó là bắt đầu tiến trình cải cách sâu rộng nền kinh tế. Tuy nhiên, những động thái như phá giá đồng nội tệ mới đây lại cho thấy điều ngược lại.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp nguy hiểm, và Chính phủ Trung Quốc trong tuần tới sẽ có hàng loạt động thái mới nhằm đưa con tàu về đúng đường ray của nó. Tuy vậy, tiến trình cải cách nền kinh tế Trung Quốc một cách sâu rộng sẽ là một thách thức mới, và cũng không thể có kết quả trong một sớm một chiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Trung Quốc?