Thị trường xăng dầu cần phải có những thay đổi trong công tác điều hành để tránh những bất cập xảy ra như thời gian vừa qua. Đặc biệt, giới chuyên gia cho rằng, về lâu dài, nếu giá thế giới duy trì ở mức cao quá lâu cần đưa mức giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới…
Thị trường xăng dầu thế giới từ cuối năm 2021 đến nay có nhiều biến động khi nhu cầu tăng, nguồn cung khan hiếm khiến giá dầu mỏ liên tục leo thang. Ở trong nước, việc cắt giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối, khiến hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ, găm giữ xăng dầu nhất thời đã xảy ra ở một số nơi.
Bộ Công thương nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế. Để nhanh chóng ổn định thị trường, cần có giải pháp kịp thời đảm bảo nguồn cung cũng như nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi gây nhiễu loạn, đầu cơ, trục lợi từ xăng dầu.
Thừa nhận những nỗ lực trong việc chủ động nguồn cung xăng dầu nội địa, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các dự án lọc hóa dầu của Việt Nam hiện đã đáp ứng được khoảng hơn 70% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, việc chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 30% lượng xăng dầu từ thị trường nước ngoài đang đẩy thị trường trong nước vào thế bị động, cho nên khi có sự cố đã phát sinh nhiều bất cập như dư luận xã hội đã chứng kiến.
Cụ thể đó là hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu trong nước đóng cửa vì thiếu nguyên liệu hay nghỉ bán hàng do sợ thua lỗ. Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nhà quản lý cần có những thay đổi trong cách điều hành thị trường xăng dầu hiện nay.
Theo ông Thịnh, khi xăng dầu trong nước còn phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, cần có một số thay đổi trong công tác điều hành. Quỹ Bình ổn chỉ có thể can thiệp vào giá xăng dầu trong ngắn hạn, về lâu dài, nếu giá thế giới duy trì ở mức cao quá lâu cần đưa mức giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới, tránh những hệ lụy tiêu cực từ chênh lệch giá xăng dầu trong nước với các quốc gia biên giới.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện Việt Nam đang thiếu và yếu cả về nguồn dữ liệu cũng như nhân lực trong công tác phân tích, dự báo thị trường. Vì đây là công việc lâu dài mang tính chuyên sâu, cần tư duy tổng hợp nên phải có kế hoạch đào tạo những cán bộ, chuyên gia thực sự am hiểu về thị trường và luật thương mại quốc tế trong đàm phán và ký hợp đồng vào những thời điểm tốt nhất.
Trong những trường hợp cần mua xăng dầu cấp thiết như thời gian vừa qua, nếu không đàm phán được hợp đồng kỳ hạn sẽ đẩy giá xăng dầu trong nước lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu sẽ xảy ra và công tác quản lý xăng dầu thêm phần khó khăn.
Giới chuyên gia kinh tế cũng lưu ý về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, Việt Nam đang hướng đến một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực sự, từ chỗ thời gian điều chỉnh giá diễn ra trong vòng 1 tháng, sau đó giảm xuống 15 ngày và đến nay theo Nghị định 95, chu kỳ điều chỉnh giá đã giảm xuống còn 10 ngày.
“Tới đây, để giá xăng dầu trong nước tiệm cận hơn với giá xăng dầu thế giới, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu nên rút ngắn xuống 7 ngày hoặc 5 ngày và nếu có thể nên rút ngắn hơn nữa”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.