Điêu khắc ngoài trời là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần làm đẹp không gian của một đô thị.
Trong các thành phố hiện đại, điêu khắc ngoài trời và kiến trúc luôn được sự kết hợp chặt chẽ, thiết kế theo quy hoạch tổng thể. Đối với không gian có sẵn, các công trình kiến trúc trong một đô thị như TP HCM thì việc chỉnh trang, bổ sung tác phẩm điêu khắc là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này cần phải được tiến hành một cách cẩn trọng, nếu không sẽ gây phản cảm và lãng phí.
Chủ đề còn đơn điệu
Nhà nghiên cứu mỹ thuật đô thị, TS Mã Thanh Cao chia sẻ, trước năm 1975, ở Sài Gòn cũng đã có một số tượng đài các nhân vật lịch sử được dựng ở nơi công cộng, bùng binh, đại lộ, điển hình như tượng Trần Hưng Đạo, tượng An Dương Vương ở bờ sông Sài Gòn, tượng Thánh Gióng ở Ngã Sáu, tượng Trần Nguyên Hãn ở trước chợ Bến Thành… Dù được dựng ở vị trí tốt, có không gian phù hợp nhưng các tượng đài này đều có kích thước nhỏ, chất lượng nghệ thuật không cao và ít để lại ấn tượng. Sau ngày thống nhất, cũng có một số tượng đài được đặt ở ngoài trời nhưng còn quá ít, chủ yếu liên quan đến các di tích lịch sử chiến tranh cách mạng và chưa tương xứng với một thành phố lớn và có vai trò quan trọng như TP HCM.
Theo TS Mã Thanh Cao, thực tế TP HCM chưa có một quy hoạch tổng thể nào cho các công trình điều khắc ngoài trời, dù từ năm 1999 đến nay, nhiều cuộc họp đã diễn ra, tranh luận sôi nổi. Loại tượng vườn, công viên, đường phố tại không gian công cộng TP HCM lại có rất ít, cần được quan tâm bổ sung một cách phù hợp. Ngay ở trung tâm thành phố, trước đây chỉ có một tác phẩm “Bác Hồ với thiếu nhi” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nay được dời về Nhà Văn hóa thiếu nhi Thành phố. Đây là một tượng công viên rất đẹp và ấn tượng với công chúng. Tác phẩm đã được sáng tác theo cảm xúc và được chuyển chất liệu đồng để bổ sung vào không gian có sẵn. Đến năm 1997, tại trung tâm thành phố có thêm tượng “Tình mẫu tử” của nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng được đặt trước Nhà hát Thành phố. Tượng chân dung Quách Thị Trang đã được dời từ vòng xoay trước chợ Bến Thành về công viên Bách Tùng Diệp, tương đối phù hợp trong công gian nhỏ, hòa trong khuôn viên cây xanh, hoa cỏ.
Năm 2005, Trại điêu khắc TP.HCM lần thứ I được tổ chức và thu nhận được 40 tác phầm, hiện trưng bày tập trung tại một khu trong Công viên văn hóa Tao Đàn. Những năm gần đây, TP.HCM đã có nhiều thay đổi về cảnh quan, môi trường, nhất là các khu công cộng dành cho cư dân Thành phố và du khách.
Một trong những thành quả nổi bật của việc thay đổi cảnh quan đô thị là việc cải tạo tuyến kênh đường Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Từ một con kênh với dòng nước đen, các nhà sàn tự phát phủ kín gần mặt nước đã trở thành dòng kênh rộng với tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa cùng các khoảng không gian rộng có những hàng liễu xanh soi bóng, các thảm cỏ. Thành phố đã quyết định mở tuyến du lịch trên sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và kênh Tàu Hũ để khai thác một tiềm năng của ngành công nghiệp không khói. Đại lộ Võ Văn Kiệt, tuyến đường huyết mạch nối từ Đông sang Tây thành phố, chạy dọc theo kênh Tàu Hũ, được chỉnh trang rộng rãi, nhiều công viên cây xanh và đặc biệt khu vực trước hầm sông Sài Gòn, nơi có một công viên khác rộng, đã trở thành nơi dạo chơi thích thú của cư dân Thành phố mỗi buổi chiều và tối. Việc chỉnh trang lại đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân thành phố và khách du lịch trong nước, quốc tế. Tuyến đường rộng rãi với các cụm đài phun nước, cây xanh hai bên được nối với đường Tôn Đức Thắng, trên bờ sông Sài Gòn, có tầm nhìn rộng và những khoảng không gian vườn hoa, cây cảnh với Cột cờ Thủ ngữ là nơi người dân Thành phố và khách du lịch tập trung đông đúc vào các dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần và các buổi tối để dạo chơi, đón gió mát từ sông thổi lên. Nhưng ngoài tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được xây dựng trước trụ sở UBND Thành phố, nơi đây hoàn toàn thiếu vắng các tác phẩm điêu khắc công viên.
Họa sĩ, nhà giáo nhân dân Uyên Huy cũng cho rằng, hàng chục năm qua, chúng ta hầu như chỉ tập trung cho việc sáng tác, xây dựng loại tượng đài Cách mạng trong khi sự quy hoạch đô thị chưa ổn định mà ít quan tâm đến các loại tượng, tượng đài có nội dung phong phú khác. Vì sự thiếu hoạch định lâu dài cho nên chúng ta không có những tiền để chuẩn xác cho sự nghiên cứu đúng mức về hệ thống tượng đài.
Cần xem là việc tất yếu trong quy hoạch
Tại TP HCM, do sự thiếu ổn định về quy hoạch kiến trúc, mạng lưới giao thông, trật tự đô thị, tình trạng quy hoạch treo… nên hệ thống quản lý chưa thể hiện được sự quan tâm đúng mức về thẩm mỹ đô thị với sự tác động của hệ thống tượng đài cùng với các loại hình mỹ thuật môi trường khác. Việc quy hoạch tượng đài của thành phố được tiến hành từ lâu và liên tục thay đổi qua nhiều đơn vị được phân công nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nhiều người đánh giá, thành phố chưa có sự quyết đoán về chủ trương, kế hoạch tài chính và tổ chức các đợt lấy ý kiến từ chính những nhà chuyên môn.
Theo họa sĩ Uyên Huy, lịch sử khai phá, giao lưu, hội nhập, phát triển văn hóa của địa phương này qua từng thời đại, các giai đoạn lịch sử của 300 năm… là những tấm gương, bài học vô cùng phong phú, có giá trị toàn diện cho việc giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách của Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn - TP HCM nói riêng, đặc biệt cho thế hệ trẻ 7X, 8X, 9X…
Việc hình thành những bài học tốt, trung thực, có giá trị khêu gợi sự biết ơn tiền nhân có công xây dựng và phát triển toàn diện của khu vực này là trách nhiệm của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ, trong đó có giới mỹ thuật, đặc biệt là các nghệ sĩ thiết kế cảnh quan, các kiến trúc sư, các nhà mỹ thuật môi trường,…trên cơ sở khai thác, vận dụng những kiến thức khoa học, tư duy văn hóa nghệ thuật hiện đại. Hệ thống tượng đài là hình thức giáo dục sinh động và hiệu quả nhất.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS Phan Thanh Bình khẳng định, việc quy hoạch các tượng trang trí công cộng hiện tại và lâu dài tại TP HCM là vấn đề bức thiết cần được các cơ quan ban ngành quan tâm, xem đây là nhiệm vụ phát triển thẩm mỹ thường xuyên của thành phố. Do vậy, không nên đặt ra là có cần thiết phải xây dựng hay tiếp tục xây dựng tượng trang trí đô thị hay không mà phải coi đó là công việc tất yếu trong quy hoạch không gian nghệ thuật. “Đặc tính của các tác phẩm tượng trang trí các khu đô thị công cộng như công viên, đường phố, quảng trường… là những không gia mang tính xã hội rõ nét, thể hiện sự phát triển xã hội sống động của con người. Vì vậy, đòi hỏi thể loại này phải bộc lộ được tính cộng đồng cao, tượng cùng sống, cùng tồn tại trong môi trường sinh hoạt của con người, cùng nhịp thở và sự phát triển của đô thị”, ông Bình nói.
Trong khi đó, TS Mã Thanh Cao cho rằng, cần sắp xếp các tác phẩm theo một số chủ đề phù hợp với không gian cho từng tác phẩm. Ví dụ: Phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể đặt thêm các tác phẩm về nghệ thuật, phù hợp với những khoảng trống nhưng đảm bảo lưu thông cho người đi bộ và an toàn cho tác phẩm. Tác phẩm có thể theo xu hướng cổ điện hoặc hiện đại vì trên trục đường này vừa có những kiến trúc nghệ thuật hàng trăm năm vừa có các khối nhà hiện đại. Đối với tuyến Tôn Đức Thắng và đại lộ Võ Văn Kiệt có thể đặt các tượng danh nhân lịch sử, văn hóa để tận dụng tầm nhìn ra sông; tuyến Hoàng Sa - Trường Sa là các tác phẩm đề tài đa dạng, đặt ở những khoảng không gian có cây cỏ hay ở một số cây cầu, tạo những điểm nhấn cho tuyến du lịch đường sông…