Tại kỳ họp kỳ thứ 9, khóa 17 HĐND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khi đánh giá về hệ lụy của thủy điện trên địa bàn đã cho rằng, không phủ nhận những đóng góp của các nhà máy thủy điện, tuy nhiên, từ các đợt lũ lụt trong tháng 8/2018, cần đánh giá những tác động của các nhà máy thủy điện.
Trong đợt xả lũ cuối tháng 8/2018, thủy điện đã gây thiệt hại nặng nề cho 171 hộ dân.
Quy trình xả lũ có vấn đề!
Theo ông Nguyễn Văn Thông, việc đánh giá để đề ra được những giải pháp khắc chế, triệt tiêu những hệ lụy, đồng thời qua đó để các nhà máy thủy điện phải nhìn nhận, có sự điều chỉnh và có trách nhiệm với xã hội. “Qua kiểm tra thì các thủy điện xả lũ đều đúng quy trình, nhưng lại gây thiệt hại lớn đến như vậy. Điều đó cho thấy quy trình xả lũ có vấn đề” - ông Thông nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn hiện có đến 10 dự án thủy điện, trong đó có 3 dự án đã đi vào hoạt động. “Tuy nhiên, khi thủy điện về, toàn bộ diện tích đất rừng, đất lúa sinh lợi rất lớn hàng năm cho cộng đồng nay không còn nữa. Ngoài ra, tỷ lệ đói nghèo, không có việc làm, tư liệu sản xuất thiếu ở nơi tái định cư mới đã khiến nhiều người dân phải “tha phương cầu thực” - ông Hoàng phân tích. Việc thi công và đưa vào hoạt động các dự án thủy điện trên địa bàn đã hủy diệt nguồn thủy sinh trên sông Nậm Nơn, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ dân làm nghề chài lưới trên sông. Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Hoàng đề nghị tỉnh Nghệ An cần dừng triển khai 2 dự án thủy điện trên địa bàn Kỳ Sơn, gồm Thủy điện Nậm Mô I và Thủy điện Mỹ Lý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết, việc quy hoạch xây dựng ồ ạt các dự án nhà máy thủy điện theo bố cục bậc thang trong những năm trước đã gây ảnh hưởng tới đời sống dân sinh. Chưa năm nào tình trạng ngập lụt tại một số huyện miền núi tỉnh Nghệ An lại nặng nề như đợt mưa lũ xảy ra trong tháng 8 và đầu tháng 9/2018 vừa qua. “Trên địa bàn nhiều ngôi nhà bị đổ sập do nước lũ, nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất. Các nhà máy thủy điện vận hành gây ra hệ lụy, ngập lụt, gây thiệt hại lớn cho người dân” - ông Hải nhấn mạnh. Đặc biệt, năm 2018, sau 2 đợt xả lũ của thủy điện, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương có 65 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại. Ở đợt 1 có 34 hộ dân, đợt 2 có 31 hộ dân. Những hộ dân này được UBND tỉnh đưa vào Dự án “Di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất”. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa chuyển động, người dân đang phải sống trong lều bạt, tạm bợ.
Điều tra đặc biệt về thủy điện
Thông tin này được Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An cho biết trong quá trình thảo luận tại tổ của kỳ họp HĐND. Cụ thể, Công an tỉnh Nghệ An hiện đang tập trung điều tra quy trình xây dựng nhà máy thủy điện, trong đó có liên quan các hạng mục công trình và thẩm định dự án để xác định trách nhiệm thuộc về ai.
Ngoài ra, tổ điều tra cũng đang tổng hợp, điều tra lại toàn bộ thiệt hại trong đợt xả lũ cuối tháng 8/2018, gây thiệt hại nặng nề cho 171 hộ dân, trong đó có 17 hộ đến nay vẫn chưa nhận được đền bù. “Đây là vấn đề chúng tôi làm để bảo vệ lợi ích của dân”, ông Cầu cho biết. Công an tỉnh Nghệ An sẽ điều tra toàn bộ vi phạm của các nhà máy thủy điện theo quy định tại Nghị định 134 của Chính phủ về vận hành các nhà máy thủy điện và hồ chứa. Nếu có vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo ông Cầu, đây cũng là dịp để xây dựng cơ sở pháp lý nhằm sau này có những vụ tương tự để xử lý. “Làm thủy điện mà lợi ích của người dân bị xâm hại thì cần phải tính toán lại. Không thể kinh doanh thu lời nhưng gây thiệt hại cho dân mà không chịu đền bù được” - ông Cầu gay gắt.
Tính đến nay tỉnh Nghệ An có 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.359,9 MW đã được phê duyệt. Trong đó, 13 nhà máy đã vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; 3 dự án đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư.