Song song với việc tiếp tục “bóc tách” các F0 trong cộng đồng, Hà Nội đã và đang lên kế hoạch, chủ động triển khai các phương án chuẩn bị bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tính đến thời điểm này, thành phố đã ghi nhận gần 100 ca dương tính qua việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Đây được đánh giá là một trong những phương án “bóc tách” F0 trong cộng đồng hiệu quả.
Bảo vệ an toàn cho chính nơi mình đang sống
Ngày 8/8, Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp tại Chung cư Mipec (quận Long Biên) dương tính khi bị ho, sốt đi khám và 1 trường hợp ở Khâm Thiên (quận Đống Đa) chỉ đau, rát họng đi xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Vũ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa tạm thời tầng 21 của Chung cư Mipec, toàn bộ 15 hộ dân cùng với khoảng 60 nhân khẩu đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Song song, các biện pháp điều tra, truy vết đã và đang được khẩn trương thực hiện.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn quận Long Biên, lực lượng chức năng đã và đang triển khai rất nhiều chốt kiểm soát. Trong đó, có những chốt kiểm soát “cứng” và có những chốt kiểm soát “mềm”. Tại mỗi khu dân cư, người dân sẽ có một đường ra, vào, với cách làm này thì lực lượng chức năng có thể kiểm soát tốt từng khu vực, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch một cách tốt nhất.
Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất đối với Hà Nội hiện nay là thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Có thể nói, càng làm nghiêm càng tốt, càng chặt càng tốt. Hà Nội có mô hình tự quản các “vùng xanh” tương đối tốt. Về lâu về dài, mô hình tự quản này giúp người dân có ý thức, có trách nhiệm, hàng ngày hàng giờ bảo vệ an toàn cho chính nơi mình đang sống trước Covid-19.
“Tất nhiên, sau giãn cách, biện pháp này cũng không phải là tối ưu mà quan trọng hơn vẫn là tạo ra cuộc sống an toàn cho nhân dân, thực hiện đúng các biện pháp 5K và khai báo y tế” - theo ông Phu.
Chủ động triển khai các cơ sở điều trị
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị các bệnh viện (BV) dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân. Mới đây nhất, UBND thành phố đã có Quyết định số 3847 về việc phê duyệt phương án thành lập cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai (Tòa nhà A1, A5, A6).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, cơ sở thu dung điều trị này có quy mô 3.000 giường bệnh. Cơ sở này sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, điều trị cho người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, thực hiện chuyển tuyến và xử trí người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Bác sĩ Trần Ngọc Cường, Phó giám đốc BVĐK Hà Đông thông tin: “Sở Y tế Hà Nội giao cho BVĐK Hà Đông 50 giường Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU), phía BV đã lập kế hoạch chuyển lên Sở Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng giao cho bệnh viện thành lập trung tâm điều trị bệnh nhân ở xã Tứ Hiệp với 3.000 giường. Sở Y tế Hà Nội giao BVĐK Hà Đông tổ chức triển khai kế hoạch phụ trách về chuyên môn, công tác hậu cần sẽ là đơn vị khác đảm nhiệm. Nếu đi vào hoạt động sẽ tập trung một nửa nhân lực BV để phục vụ. Theo chủ trương, các BV sẽ tập trung điều trị bệnh nhân thông thường, đồng thời đảm nhiệm trung tâm riêng biệt trong việc chống dịch để đảm bảo an toàn cho người bệnh và người dân xung quanh. Hiện tại, nhân lực BV đã bố trí xong”.
Theo ông Trần Đắc Phu, các BV dã chiến tại Hà Nội là rất quan trọng để dự phòng cho kịch bản số ca mắc tăng cao, dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt là việc thực hiện phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng” của Bộ Y tế. Bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ sẽ được chuyển đến các cơ sở thu dung điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và nhẹ. Bệnh nhân Covid-19 ở mức độ vừa sẽ được điều trị ở BV tuyến cao hơn và tầng cao nhất sẽ điều trị cho các bệnh nhân ở mức độ nặng, mức độ nguy kịch tại các Trung tâm ICU”.
Gấp rút bổ sung nhân lực y tế
Mặc dù công tác thành lập, chuẩn bị các cơ sở thu dung, điều trị cũng như Trung tâm ICU được thực hiện rất khẩn trương, bài bản với sự nỗ lực hết mình nhưng cũng không thiếu được những khó khăn, vất vả. Là một trong 4 BV được Bộ Y tế giao là Trung tâm ICU vùng, BV Thanh Nhàn còn được Sở Y tế Hà Nội giao nhiệm vụ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về Hồi sức cấp cứu cho cán bộ y tế của các đơn vị.
BS Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, hiện tại BV mới chỉ có 20 giường ở khu nhà 9 tầng. Trong việc thành lập Trung tâm ICU đang gặp phải nhiều khó khăn về trang thiết bị hệ thống oxy, nhân lực… Để có nhân lực của hồi sức không phải một, hai tuần. Trong trường hợp 20-50 giường bệnh thì BV đảm đương được còn trung tâm lớn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống. Từ năm ngoái, BV đã thành lập được 4 lớp, năm nay tiếp tục thành lập các lớp đào tạo bác sĩ để vận hành máy thở và điều dưỡng để chăm sóc những bệnh nhân thở máy.
“Chúng tôi đào tạo trực tuyến trên 100 điểm cầu. Hiện tại số lượng đã đào tạo được hơn 50 bác sĩ. Nhân lực lúc này đang rất mỏng” - BS Hương cho biết và chia sẻ thêm: “Trong đợt dịch này bệnh nhân trở bệnh rất sớm, không chỉ đối với những bệnh nhân có bệnh lý nền rất là nặng, kể cả đối với những bệnh nhân khỏe thì diễn biến nhanh. Từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, bệnh nhân đã có diễn biến nặng nên phải theo dõi sát tuần đầu tiên. Tùy từng bệnh nhân sẽ áp dụng theo pháp đồ điều trị của Bộ Y tế”.