Trong bối cảnh dịch Covid-19, các thống kê và bằng chứng khoa học cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính trong đó bệnh thận mạn giai đoạn cuối bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tác động của dịch bệnh.
Bộ Y tế vừa có Quyết định 1470/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19”. Tài liệu này được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Trong đó nêu rõ các khuyến nghị cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối, nguyên tắc chung đối với cơ sở khám, chữa bệnh trong dịch Covid-19 và phương pháp điều trị, quản lý tại đơn vị lọc máu đối với những bệnh nhân này.
Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận mạn tính không hồi phục theo thời gian nhiều tháng, nhiều năm do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng của các đơn vị thận. Hiện nay trên thế giới có khoảng 6 triệu người có các bệnh lý thận mạn trong đó 80.000 đã người tiến triển giai đoạn cuối. Bệnh thận mạn tính là bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, là một vấn đề sức khỏe công cộng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các thống kê và bằng chứng khoa học cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính trong đó bệnh thận mạn giai đoạn cuối bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bởi tác động của dịch bệnh.
Quan trọng nhất là hạn chế tiếp xúc, đồng thời phải điều trị duy trì, ổn định
Hướng dẫn đã đưa ra các khuyến nghị cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối, trong đó, điều quan trọng nhất là người bệnh hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời vẫn phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng.. để tăng cường miễn dịch chống lại dịch Covid-19.
Ngoài thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn, nếu người bệnh có bất thường trong quá trình tự theo dõi bệnh tại nhà, người bệnh nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế ngay.
Nếu đến lịch khám định kỳ nhưng bị trì hoãn do dịch, nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế và phải đảm bảo duy trì phác đồ điều trị hiện tại cho tới lần khám tiếp theo. Khi tư vấn từ xa, người bệnh nên cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân viên y tế về diễn biến bệnh và điều trị để có được những điều chỉnh tương đối phù hợp với thực tế bệnh. Các phương tiện thông tin liên lạc có thể được sử dụng trong tư vấn từ xa bao gồm điện thoại, Viber, Zalo, Facebook... để tham vấn cán bộy tế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Nguyên tắc chung đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 là một thách thức đối với thực hiện dịch vụ chăm sóc thận (lọc máu, lọc màng bụng) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, trung ương – nơi tập trung các người bệnh nặng, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, suy thận.
Hướng dẫn cũng chỉ rõ nguyên tắc chung đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch Covid-19. Cần bảo vệ các nhân viên y tế không bị mắc Covid-19 để các nhân viên y tế có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Nhân viên y tế giao tiếp với người bệnh và hỗ trợ sức khỏe tinh thần của người bệnh để giúp giảm bớt lo lắng và sợ hãi về Covid-19 mà người bệnh có thể có. Đồng thời, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh bằng cách cung cấp tư vấn qua điện thoại,viber, zalo, facebook..., ngừng đợt tái khám trực tiếp nếu không cần thiết.
Tại các cơ sở, cần bố trí khám bệnh, chữa bệnh để giảm thiểu thời gian người bệnh ởkhu vực chờ đợi bằng cách: lên lịch khám bệnh cụ thể, khuyến khích người bệnh không đến sớm, nhắn tin hoặc thông báo cho người bệnh khi bác sỹ đã sẵn sàng khám bệnh...
Các bác sĩ, nhân viên y tế và các nhân viên khác phải được cập nhật kiến thức về dịch Covid-19, được thông báo về các nguy cơ lây nhiễm, các hướng dẫn từ Chính Phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế và Bệnh viện về tình hình dịch tễ, nguy cơ và các giải pháp dựphòng và kiểm soát dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu nguy cơ suy thận, những người có nguy cơ cao như đã nói trên không thể chủ quan mà cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để.
Nguyên tắc chung để phòng bệnh thận là: cần uống đủ nước mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị tăng trọng lượng và bị thừa cholesterol; hạn chế dùng muối, một yếu tố thúc đẩy tăng huyết áp; không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn; tập thể dục thể thao mỗi ngày; không dùng thuốc khi không có hướng dẫn của thầy thuốc vì một số thuốc có hại cho thận.
Không lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu; khi thận bị suy, tùy theo mức độ suy thận, người bệnh cần ăn nhạt, kiêng mỡ, giảm chất đạm; dùng thuốc chống tăng huyết áp, chống thiếu máu, theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Điều quan trọng là mọi người cần được trang bị kiến thức, hiểu biết và lắng nghe cơ thể mình để phát hiện ra sớm những dấu hiệu của bệnh như chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu…), người mệt mỏi, sút cân. Đồng thời để phát hiện bệnh sớm nhất, cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm đã làm chậm sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính.