Tình trạng bất toàn của hệ thống van ở tĩnh mạch chi dưới dẫn đến sự trào ngược của dòng máu hướng tâm, gây phù nề, ứ trệ trong lòng tĩnh mạch được gọi là suy tĩnh mạch chi dưới. Đây là bệnh gây khá nhiều biến chứng, thậm chí người bệnh có thể tử vong nhanh chóng nếu bị tắc động mạch phổi do hình thành các cục máu đông.
Êkíp can thiệp laser nội mạch của BV Lão khoa Trung ương đang tác nghiệp.
Tuy nhiên, với phương pháp laser nội tĩnh mạch đang được áp dụng tại Bệnh viện (BV) Lão khoa Trung ương, bệnh nhân có cơ hội được điều trị hiệu quả căn bệnh này và có thể vận động bình thường được ngay sau khi được bác sỹ can thiệp bằng thủ thuật.
Theo Ths. BS Nguyễn Trung Anh- Phó Giám đốc BV Lão khoa Trung ương, ước tính, hiện có khoảng 25 - 35% dân số mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới. Bệnh thường liên quan đến các yếu tố như: Độ tuổi (tần suất bệnh tăng dần theo tuổi), béo phì, di truyền, giới tính (tần suất bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới). Công việc càng đòi hỏi đứng lâu hay ngồi lâu càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ths Nguyễn Trung Anh lưu ý: Có khá nhiều bệnh nhân nhầm bệnh này với bệnh loãng xương. Khi thấy triệu chứng bắp chân có nhiều tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, đau nhức hoặc bị chuột rút ở bắp chân không rõ nguyên nhân... thì cần tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể bị giãn các tĩnh mạch lưới dưới da, tạo thành hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân, khiến nhiều chị em rất mặc cảm. Giai đoạn nặng, máu bị ứ trệ ở chân sẽ khiến bệnh nhân có triệu chứng căng tức ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, đau tê vùng bắp chân, phù ở bàn chân... và có các biểu hiện của hội chứng “chân không nghỉ” (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu...). Bệnh nặng hơn, chân bị thay đổi màu sắc da, xơ hóa và chàm hóa da. Nếu không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường gặp là cổ chân. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị biến chứng như hình thành cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể di chuyển lên phổi gây tắc mạch phổi, dẫn đến suy hô hấp, nặng có thể tử vong.
Trước đây, đối với căn bệnh này, hầu hết các BV trong cả nước áp dụng biện pháp phẫu thuật rút bỏ các tĩnh mạch giãn từ cấp độ 2 - 6. Đây là phương pháp điều trị đòi hỏi phải gây mê hoặc tê tủy sống, bệnh nhân phải nằm viện lâu, bị sẹo xấu và có nguy cơ gặp biến chứng do gây mê và phẫu thuật.
Từ nhiều năm nay, nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng phương pháp laser nội tĩnh mạch. Tại Việt Nam, số lượng các bệnh viện áp dụng phương pháp này còn rất ít. Hiện ở miền Bắc, cơ sở đầu tiên là BV Lão khoa Trung ương triển khai áp dụng phương pháp này, từ năm 2009. Mỗi tuần có hơn 30 bệnh nhân tới khám và điều trị suy tĩnh mạch chi dưới tại đây, phần lớn là nữ giới, từ 35 tuổi trở lên và hàng trăm người trong số đó đã khỏi bệnh.
Nguyên tắc của phương pháp này, theo Ths Nguyễn Trung Anh, là dùng nhiệt từ ánh sáng laser để làm teo tĩnh mạch bị giãn. Cán bộ y tế sẽ luồn một que đốt laser vào trong lòng tĩnh mạch, sau đó bật nguồn. Tia laser được tạo thành sẽ đốt vào vị trí cần can thiệp rồi được kéo dần ra khỏi đó, khiến 2 bên thành tĩnh mạch dần dính liền với nhau, kín lại, không cho máu chảy qua nữa. Sau 6 tháng điều trị, toàn bộ tĩnh mạch đốt bằng laser teo hết hoặc chỉ nhỏ như sợi xơ mướp. Bệnh nhân sẽ hết mọi triệu chứng khó chịu từng gặp trước khi điều trị. Với phương pháp laser nội tĩnh mạch mà BV Lão khoa đang triển khai, bệnh nhân có thể an toàn, phục hồi nhanh, sau thủ thuật có thể xuất viện ngay và không có sẹo mổ, đảm bảo thẩm mỹ.
Tùy vào cấp độ (có 6 cấp độ) của bệnh mà các bác sỹ áp dụng các biện pháp điều trị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới khác nhau: Điều trị nội khoa (sử dụng thuốc trợ tĩnh mạch, thay đổi nếp sống, dùng băng ép hoặc tất ép...) và điều trị ngoại khoa (chích xơ, phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch bị giãn, suy...). Chi phí điều trị cho bệnh nhân suy tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp laser nội tĩnh mạch ước khoảng hơn 1.000 USD, hiện đã được BHYT chi trả cho những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên.
Đối với bệnh nhân có những triệu chứng như trên nhưng chưa được điều trị can thiệp thì cần chú ý duy trì một chế độ sinh hoạt năng động, nên đi bộ hàng ngày, chú ý giữ mức cân nặng cơ thể hợp lý, nên bỏ thuốc lá... “Tuyệt đối không ngâm chân trong nước nóng vì sẽ làm tĩnh mạch bị giãn và suy nhiều hơn, gây đau nhức cho bệnh nhân”, BS. Trung Anh khuyến cáo.