Được thi hành hơn 22 năm với 4 lần sửa đổi (năm 2002, 2006, 2007 và 2012) Bộ luật Lao động được xem là cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Thế nhưng, theo thống kê, cả nước có tới 6.000 cuộc đình công, tất cả cuộc đình công này đều diễn ra không đúng pháp luật.
Số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy những con số đáng lo ngại: từ năm 2010 đến nay cả nước có 3.146 cuộc đình công và tập trung ở 40 tỉnh, thành phố. Tính riêng 3 năm từ 2013 đến hết tháng 6/2016 là 1.000 cuộc, năm 2015 là 368 vụ. 6 tháng đầu năm 2016 báo cáo mới nhất của Bộ LĐTB&XH là 132 cuộc.
Bình luận về con số trên, ông Đặng Đức San, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho rằng, từ khi Bộ luật Lao động được triển khai ba cơ chế giải quyết về tranh chấp lao động tập thể không được vận hành trong thực tiễn. “Trong hơn 20 năm qua, tình trạng có luật nhưng không thực hiện theo luật (trong đình công và giải quyết đình công). Các cuộc đình công trong đều có đặc điểm chung là không đúng quy trình, không do công đoàn tổ chức lãnh đạo”.
Tại buổi đối thoại về những vướng mắc trong thực hiện Bộ luật Lao động giữa Bộ LĐ-TB&XH với các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, đình công trái luật gia tăng, lỗi không phải hoàn toàn thuộc về người lao động.
Theo quy định, đình công chỉ được tiến hành sau khi trải qua bước hòa giải, tức là chỉ được đình công sau thời hạn 3 ngày nếu hòa giải không thành hoặc sau thời hạn 5 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện đúng thỏa thuận. Bên cạnh đó, đình công phải diễn ra đúng trình tự: lấy ý kiến tập thể lao động; ra quyết định đình công; tiến hành đình công. Nếu trên 50% công nhân được lấy ý kiến đồng ý, Công đoàn mới ra quyết định đình công và thông báo cho chủ doanh nghiệp ít nhất 5 ngày trước khi đình công. Tuy nhiên, việc phải trải qua nhiều cấp bậc và thủ tục kéo dài là cái khó đối với tổ chức Công đoàn.
“Hoàn thiện các thủ tục để tổ chức được 1 cuộc đình công ở cơ sở cho đúng luật thì phải mất 20 đến 22 ngày. Trong khi đó, bức xúc của người lao động không chờ được đến lúc hoàn tất các thủ tục” - Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Về điều này, Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Phạm Minh Huân cũng thừa nhận, khi xảy ra đình công không theo đúng trình tự, thủ tục quy định do yêu cầu phải đảm bảo an ninh trật tự, tài sản, tính mạng của doanh nghiệp và người lao động nên Tổ liên ngành ở hầu hết các tỉnh phải đến hiện trường để kiểm soát không để xảy ra manh động. Nếu chờ quyết định của UBND tỉnh tuyên bố cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục thì mới xử lý thì không kịp thời.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải cắt giảm về mặt thủ tục, trong đó cho phép người lao động và người sử dụng lao động có cơ hội lựa chọn một trong các hình thức giải quyết tranh chấp lao động, không cần qua đủ các bước. Đồng thời nghiên cứu bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cho Hội đồng trọng tài lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền.