Chuyến công du châu Á hiện tại được nhìn nhận chung là chuyến đi châu Á lần cuối cùng của ông Obama trên cương vị tổng thống Mỹ.
Tổng thống Barack Obama.
Hai tháng nữa, dân Mỹ sẽ bầu người kế nhiệm ông Obama và cho dù ông Obama tới tận cuối tháng 1/2017 mới chính thức rời nhiệm sở thì từ sau cuộc bầu cử tổng thống, người kế nhiệm ông Obama, dù là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump cũng được để ý đến nhiều hơn.
Vì thế, sau chuyến đi châu Á này của ông Obama có thể đánh giá được khá đầy đủ về chính sách của ông Obama đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn được gọi là chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Công bằng và khách quan thì không thể không công nhận rằng chiến lược ấy của ông Obama rất đúng đắn và thức thời đối với nước Mỹ.
Ở đây thể hiện rất rõ là ông Obama vừa phải khắc phục hậu quả và hệ luỵ của đường lối chính sách của người tiền nhiệm vừa phải xác định ra định hướng chiến lược cho nước Mỹ thích ứng với thời mới.
Thực dụng và thận trọng chứ không còn tham vọng và duy ý chí, giảm cam kết chứ không tăng cường can thiệp, coi trọng sức mạnh mềm chứ không ỷ dựa vào sức mạnh quân sự - đó là những khác biệt cơ bản nhất giữa ông Obama và người tiền nhiệm trong chính sách đối ngoại và an ninh, trong đó có chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho dù ý đồ và lợi ích chiến lược của Mỹ nói chung không thay đổi cơ bản gì.
Tuy nhiên sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, ông Obama chỉ đạt được kết quả hạn chế trong việc triển khai thực hiện những điều chỉnh chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ở khu vực này, ông Obama đã tập hợp được nhiều đồng minh và đối tác hơn người tiền nhiệm nhưng không hơn được người tiền nhiệm trong đối phó với những thách thức về an ninh từ Triều Tiên và với sự cạnh tranh chiến lược từ phía Trung Quốc, trong đó có cả việc đối phó những ý đồ và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Thiết lập nên mối Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là kế hoạch với vai trò hạt nhân và hải đăng của ông Obama trong chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng chưa được hoàn tất và có nguy cơ bị đảo ngược ở thời người kế nhiệm.
Nhưng dù sao thì vị tổng thống này cũng vẫn đã gây dựng được dấu ấn riêng.