Bộ Tài chính vừa có công văn xin ý kiến bộ ngành liên quan về việc công bố giá mua thóc định hướng vụ hè thu 2020.
Theo cách tính của Bộ này, mức giá thành sản xuất thóc kế hoạch vụ hè thu 2020 tại các tỉnh ĐBSCL dao động từ 2.955 đồng/kg đến 4.983 đồng/kg. Trong đó, giá thành lúa thấp nhất là tại Cà Mau, ở mức 2.955 đồng/kg, cao nhất là ở Bến Tre, lên tới gần 5.000 đồng/kg.
Mức giá thành sản xuất bình quân thóc vụ hè thu năm nay tại ĐBSCL là khoảng 3.657 đồng/kg. Ảnh: Quốc Trung.
Như vậy, mức giá thành sản xuất bình quân thóc vụ hè thu năm nay tại ĐBSCL là khoảng 3.657 đồng/kg, giảm 169 đồng/kg so với vụ hè thu năm 2019. Được biết, mức giá thành sản xuất thóc kế hoạch vụ hè thu 2019 tại các tỉnh ĐBSCL khoảng từ 3.074 – 4.904 đồng/kg, bình quân giá thành sản xuất thóc của vùng này năm 2019 khoảng 3.826 đồng/kg.Trước đó, giá thành sản xuất thóc vụ hè thu năm 2018 tại ĐBSCL là khoảng 4.059 đồng/kg, tăng hơn 156 đồng/kg so với giá thành thực tế lúa hè thu năm 2017, ở mức 3.903 đồng/kg.
Nhìn theo con số giá thành bình quân, nhiều người cho rằng giá thành ngày càng giảm thì đồng nghĩa với việc lợi nhuận từ nghề trồng lúa của bà con tăng lên. Tuy nhiên nhìn con số tính toán từ 12 tỉnh, thành phố trong khu vực đều cho thấy, thực tế giá thành sản xuất lúa vụ này đều tăng cao hơn vụ trước, với mức tăng từ 128 đồng đến 192 đồng/kg. Như tại An Giang, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm ngoái là 3.945 đồng/kg, năm nay tăng lên 4.103 đồng/kg (tăng 158 đồng/kg); tại Bến Tre từ 4.791 đồng/kg, lên 4.983 đồng/kg, tăng 192 đồng/kg; tại Long An tăng 131 đồng/kg; tại Trà Vinh tăng 153 đồng/kg…
Bộ Tài chính cho biết, cách tính giá thành trên dựa theo Thông tư số 77/2018/TTLT-BTC ngày 17/8/2018 của Bộ Tài chính quy định về phương pháp điều tra, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất thóc hàng hóa các vụ trong năm.
Được biết, việc Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa để làm giá cơ sở định hướng cho các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo ở ĐBSCL đã được thực hiện mấy năm nay. Mục đích của việc làm này để điều chỉnh chính sách sao cho nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu 30% (giá thành + 30% = giá thu mua thấp nhất).
Theo Bộ NNPTNT, về tình hình sản xuất vụ hè thu năm 2020, toàn vùng đã xuống giống được 1 triệu hecta lúa hè thu theo đúng kế hoạch đã đề ra, lúa đang phát triển rất tốt. Hiện nhiều địa phương đã thu hoạch lúa hè thu sớm với diện tích khoảng 15.000ha, năng suất bình quân đạt 5,6 – 5,8 tấn, cao hơn so với cùng kỳ. Sản lượng gạo đang có hiện nay vẫn vô cùng dồi dào cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đáng chú ý, quyết định cho phép xuất khẩu gạo trở lại trạng thái bình thường đã giúp giá lúa gạo tại ĐBSCL tăng 200 – 400 đồng/kg so với tuần cuối tháng 4/2020.
Như tại TP Cần Thơ, thương lái đã tìm đến tận ruộng để đặt cọc tiền thỏa thuận thu mua lúa của nông dân với giá 4.900 – 5.000 đồng/kg đối với lúa IR50404, trong khi trước đó giá chỉ 4.600 – 4.800 đồng/kg. Các loại lúa hạt dài OM 5451, OM 4218, OM 380... đang được đặt cọc thu mua với giá 5.100-5.400 đồng/kg, trong khi, trước đó giá chỉ 4.900-5.000 đồng/kg.Theo thống kê, vụ hè thu 2020, nông dân TP. Cần Thơ xuống giống được hơn 74.770ha lúa, hiện lúa đang trong giai đoạn nhánh đến đòng trổ và chắc xanh, dự kiến khoảng 1 tháng nữa, những trà lúa hè thu sớm sẽ bước vào thu hoạch.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, quý 1/2020, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,67 triệu tấn gạo (tăng gần 20%), giá trị đạt 774 triệu USD (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Phan Xuân Quế- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc phân tích: Hiện nay, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng lên mức cao do nhu cầu mạnh mẽ từ Philippines và Malaysia. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang tiếp tục thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan, cao hơn gạo Myanmar, Ấn Độ - các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam.
Ông Quế nhìn nhận, diễn biến thị trường cũng như kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm đã cho thấy tín hiệu thị trường khả quan để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu với 6,7 triệu tấn, trị giá trên 3 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở.