Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2020, cả nước phấn đấu đưa diện tích cây cacao tăng lên 50.000 ha; trong đó diện tích cacao kinh doanh đạt 38.500ha, năng suất đạt bình quân 1,19 tấn/ha, với sản lượng hạt cacao khô ủ lên men 45.700 tấn.
Cây cacao cho giá trị kinh tế cao.
Sản xuất chưa được như mong đợi
Diện tích cacao phát triển tập trung tại ba vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, ở thời điểm hiện tại, diện tích trông cacao trên cả nước còn ít, quy mô nhỏ, năng suất bình quân còn thấp, sản lượng chưa nhiều, chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các nhà chế biến và xuất khẩu hạt ca cao lên men với số lượng còn khá khiêm tốn, nhiều vấn đề kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc còn cần khắc phục.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết cacao không còn là cây trồng mới, Bộ đã có quy hoạch từ rất sớm với 50.000ha đến năm 2020, đồng thời cũng có rất nhiều các chương trình khuyến nông trong thời gian dài nhằm đưa cây cacao trở thành một trong những cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay sản phẩm cacao sản xuất vẫn chưa được như mong đợi, mới chỉ đạt 16.000ha (kể cả diện tích trồng xen canh). Đặc biệt, định hướng phát triển cho loại cây trồng này ở nhiều địa phương vẫn chưa rõ ràng, nông dân ngày càng không mặn mà với cây cacao.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tính đến năm 2013 diện tích ca cao cả nước là 22.110,3ha. Trong đó diện tích vùng trồng lớn nhất là ĐBSCL và Tây Nguyên. Diện tích thu hoạch khoảng 11.055ha, chiếm 50% tổng diện tích ca cao. Trong tổng diện tích ca cao của cả nước thì chỉ có 30% diện tích trồng đúng kỹ thuật; 30% ít chăm sóc đầu tư; 70% vườn có quy mô dưới 1ha; 75% số hộ thiếu thông tin về cây giống…
Giải pháp phát triển
Cũng theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, mặc dù sản xuất cacao 10 năm qua đạt được một số tiến bộ đáng khích lệ, xác định được vị thế của cây cacao trong cơ cấu cây trồng xen tại các tỉnh trong 3 vùng: Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tính thích nghi khá tốt tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích…
Tuy nhiên, diện tích, năng suất, sản lượng cacao tăng chậm, hiệu quả kinh tế thấp chưa đáp ứng kỳ vọng, diện tích mới đạt 33,3%, sản lượng đạt 26,3% so với kế hoạch, tâm lý người trồng nhiều nơi chưa an tâm, vẫn còn tình trạng nông dân chặt bỏ cacao chuyển sang trồng cây khác. Vì vậy, để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các tỉnh thuộc các vùng trên đánh giá lại tình hình phát triển cây cacao thời gian qua, rà soát lại quy hoạch phát triển cacao của từng tỉnh phù hợp với đặc điểm sinh lý cây cacao và điều kiện thời tiết khí hậu, đất đai, tập quán canh tác và chế độ đầu tư của từng vùng.
Các tỉnh cũng cần hỗ trợ hình thành và phát triển các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng cacao để gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Tiếp tục tuyển chọn, nhân rộng các giống cacao có năng suất cao, ít sâu bệnh chuyển giao đến cho người trồng, đồng thời, củng cố, phát triển mạng lưới thu mua, các cơ sở chế biến lên men, công khai giá thu mua ổn định trong thời gian dài để khuyến khích người dân tham gia phát triển cây cacao…
Cacao VN hiện có tới 95% là sản phẩm cacao lên men, kích cỡ hạt đạt trung bình 80 - 100 hạt/lượng, được xếp vào loại cacao có chất lượng cao nhất thế giới, vượt qua Indonesia, nước có sản lượng thứ 3 thế giới (chỉ bán hạt thô). Theo dự báo của Tập đoàn thực phẩm Mars Icoporated (Mỹ), năm 2013, toàn thế giới thiếu hụt khoảng 160.000 tấn cacao. Con số này sẽ lên đến 1 triệu tấn vào năm 2020. |