Một bộ phim hay có thể gây ra những tranh cãi, bình luận trái chiều. “Người phán xử” - một bộ phim truyền hình đã được nhắc tới trong phiên họp sáng 14/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho rằng: Đối với nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới lấy ví dụ: “Điển hình, VTV1 chiếu “Người phán xử”, sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?”.
Từ ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, có thể thấy rằng: Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ phải cụ thể hóa và chi tiết hơn rất nhiều so với dự thảo về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Đây chính là nội dung tại điều 10 của dự thảo lần 3 của Chính phủ trình Quốc hội. Điểm h khoản 1 điều 10 của dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi quy định nghiêm cấm các hoạt động điện ảnh có nội dung: “Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc; trừ trường hợp nội dung nhằm phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa”.
Từ quy định dự thảo, quy chiếu vào bộ phim “Người phán xử”, nếu ở vào tư cách của Hội đồng duyệt phim sẽ phải chỉ rõ ra: Hình ảnh nào của phim phạm vào điều cấm?; Lời thoại, âm thanh nào của bộ phim phạm vào điều cấm?... Tất cả đều phải làm rõ. Nếu không cụ thể và có căn cứ thuyết phục có thể tạo ra những tranh chấp pháp lý liên quan giữa tổ chức sản xuất và Hội đồng duyệt phim, cơ quan quản lý.
Phim hay tác phẩm văn học đều có thể thể hiện, mô tả tội ác, cái xấu. Bản thân quy định tại dự thảo luật cũng cho phép điều đó. Ở câu cuối của quy định tại điểm h khoản 1 điều 10 viết: “…trừ trường hợp nội dung nhằm phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa”.
Thế nhưng, hiểu thế nào về ý nghĩa, thông điệp của một bộ phim? Trong trường hợp của ví dụ là phim “Người phán xử” thì sao? Cảm nhận của mỗi người đối với bộ phim chưa chắc đã giống nhau. Vậy lấy gì “định lượng” cho những nhận cảm mang “định tính”?...