Chúng tôi trở lại Hội An trong lúc nơi đây đang có nhiều ca dương tính Covid-19. Du lịch thất bát, du khách đến Hội An thưa vắng, những chiếc giếng cổ cũng đìu hiu.
Vắng bóng khách tham quan
Nằm trong ngõ hẻm ở đường Trần Hưng Đạo, phố cổ Hội An là giếng cổ Bá Lễ đã có từ lâu đời và đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Trái với thời điểm chưa có dịch, khách tây, khách ta đông vui nhộn nhịp. Giờ đây, giếng vắng lặng thi thoảng mới thấy một người dân đến lấy nước.
Giếng Bá Lễ nổi tiếng không chỉ vì đây là giếng cổ có từ lâu đời. Theo người dân bản xứ, giếng không bao giờ cạn nước và luôn giữ được vị ngọt và trong mát. Kiến trúc giếng cũng mộc mạc hình tròn, hình vuông. Giếng cổ Bá Lễ nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước mà cả trên thế giới. Khách du lịch Mỹ, Pháp… đến phố cổ Hội An đều không ngần ngại uống ngay một ngụm nước để thưởng thức vị ngọt, mát lịm được múc lên từ giếng.
Ông Nguyễn Văn Sang (50 tuổi), trú TP Hội An nói: “Người dân địa phương thường đến lấy nước ở giếng Bá Lễ về nấu món Cao Lầu hoặc dùng để uống. Những hôm trời nắng nóng giếng cổ càng đông người lấy nước. Không có dịch bệnh thì rất đông du khách tham quan. Nhưng vì dịch Covid-19 nên không chỉ vắng bóng du khách mà người dân địa phương cũng hạn chế tập trung đông nơi giếng cổ”.
“Nước giếng ở đây trong mát, có vị ngọt nên được nhiều người dân đến lấy về nấu thức ăn và uống nước. Mà thật kỳ lạ, cho dù trời nắng nóng đến mấy đi chăng nữa nước giếng ở đây cũng không bao giờ cạn, nguồn nước dồi dào. Nước giếng này chỉ dùng để uống, chứ người dân không bao giờ dùng cho tắm giặt”, ông Sang cho biết thêm.
Nhiều người dân ở phường Minh An, TP Hội An cho biết, giếng nước được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII, đã qua nhiều lần tu sửa. Trong đó, vào đầu thế kỷ XX, bà Bá Lễ ở gần giếng đã bỏ ra 100 đồng Đông Dương để đại tu và vì thế người dân thường gọi là giếng Bá Lễ.
Giếng có hình khối vuông, mặt tường phía Tây gắn liền với tường nhà một người dân. Khu vực phân bố của giếng rộng khoảng 20m2, giếng sâu 4m, dưới có khung móng gỗ lim, thành giếng xây bằng gạch Chăm, phần nổi lên cao 0,8m tô xi măng. Giếng cho mạch nước ngọt, dồi dào, trong suốt và góp phần tạo nên tính đặc trưng của nhiều đặc sản ẩm thực của phố cổ Hội An, đặc biệt là Cao Lầu.
Cách đó không xa là giếng cổ Máy, tương truyền giếng này được xây dựng cùng thời gian lập chợ Hội An vào đầu thế kỷ XIX. Giếng là nơi cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho cả chợ, khu vực xung quanh và cho các thuyền buôn đến dừng đậu trao đổi hàng hóa. Thế nhưng do dịch Covid-19, chợ Hội An không hoạt động, du khách không ghé thăm, giếng Máy giờ đây cũng vắng bóng người.
Giếng Máy có dạng hình tròn, xây bằng gạch thẻ, miệng giếng có đường kính 155cm, thành cao 60cm, dày 24cm. Giếng có mái che hình chóp tứ giác, lợp ngói vảy cá, hệ khung chịu lực đỡ mái bằng gỗ.
Ông Lê Văn Bê (63 tuổi), trú TP Hội An cho biết, giếng Máy có tên gọi như vậy bởi trước đây được trang bị một loại tời kéo nước, lâu dần người dân quen gọi là giếng Máy. Đây là giếng công cộng duy nhất ở phố cổ Hội An có mái che. Giếng Máy đã trở thành biểu tượng quen thuộc, in đậm trong ký ức của nhiều người dân địa phương.
Luôn gìn giữ, bảo quản giếng cổ
Chia sẻ về giếng cổ ở Hội An, ông Võ Hồng Việt, cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn Hội An cho biết, các giếng cổ tồn tại trên địa bàn TP Hội An phân bố tập trung ở khu vực dọc bờ bắc sông Đế Võng, thôn Thanh Đông, thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, khối An Bang - phường Thanh Hà và đặc biệt là trong khu phố cổ.
“Trong hơn 60 giếng cổ qua khảo sát có thể chia thành 3 loại kiểu dáng cơ bản gồm kiểu hình tròn, kiểu hình vuông và hình trên tròn dưới vuông. Ngoài ra còn có một số kiểu khác không phổ biến như kiểu trên vuông dưới tròn, trên tròn dưới lục giác và trên bát giác dưới tròn”, ông Việt nói.
Theo tài liệu từ Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An: Về vật liệu xây dựng giếng cổ là gạch có hình hộp chữ nhật và gạch cong hình vành khăn. Gạch hình hộp chữ nhật có nhiều kích cỡ khác nhau song có độ dày phổ biến là 4,5 cm. Gạch cong hình vành khăn cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, độ dày thường gặp là 4cm.
Gạch xây giếng được sắp xếp theo kiểu ngang nằm, dọc nằm hoặc kết hợp kiểu ngang nằm và ngang đứng. Nếu như gạch cong hình vành khăn được xây dọc nằm, phần cong lõm hướng vào tâm giếng thì gạch hình hộp chữ nhật chủ yếu xây ngang nằm và ngang đứng với hình thức một hoặc hai hàng ngang nằm xen kẽ một hàng ngang đứng.
Chỉ có duy nhất một giếng xây gạch hình hộp chữ nhật với hình thức dọc nằm. Một vài giếng có phần trên xây gạch cong hình vành khăn, phần dưới xây bằng gạch hình hộp chữ nhật với hình thức ngang nằm hoặc ngang nằm xen kẽ với ngang đứng và ngược lại.
Cũng có giếng phần trên gạch xây ngang nằm, phần dưới xây một hàng ngang nằm xen kẽ một hàng ngang đứng và ngược lại. Hoặc toàn bộ được xây với hình thức ngang nằm, dọc nằm hay một hoặc hai hàng ngang nằm xen kẽ với hàng ngang đứng.
Còn về vật liệu đá gồm có đá granit hoặc sa thạch cong hình vành khăn, có chiều rộng từ 20-30cm. Đá xây giếng với hình thức nhiều viên đá cong đặt chồng lên nhau theo chiều đứng. Phía dưới thành gạch của kiểu giếng hình tròn đều có khung gỗ hoặc khung đá hình vuông khá dày. Lòng đáy của một số giếng lát 3 tấm ván gỗ chạy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc hoặc Bắc - Nam, các tấm ván được để nguyên hoặc đục những lỗ hình tròn.
Ông Việt cho biết: “Những giếng cổ ở Hội An đã gắn bó lâu đời với đời sống của người dân nơi đây và với những giá trị tinh thần, văn hóa to lớn của giếng cổ nên lãnh đạo thành phố rất quan tâm bảo tồn và gìn giữ như một loại hình di tích đặc biệt”.
Còn hôm nay chúng tôi trở lại đây, đã thấy rõ giếng cổ với những nét rất riêng từ viên gạch đến hình hài, hay rêu phong và độ mát lạnh của nước giếng. Có điều khác với những lần trước đây, là giếng cổ cũng có lúc vắng hoe không một bóng người. Nhưng dù sao giá trị của giếng cổ vẫn luôn được người dân trân trọng giữ gìn và mãi mãi là điểm đến khó quên trong lòng du khách khi đã một lần đến Hội An.