Dỡ bỏ ngáng cản

Nam Việt 27/03/2021 14:00

Những ngày này thông tin việc thiếu đất để làm nền đường cho tuyến cao tốc Bắc - Nam khiến mọi người ngạc nhiên, bức xúc. Một đất nước có đến 3/4  diện tích là núi đồi mà lại thiếu đất để làm nền đường thì thật là chuyện lạ!

Trong khi đó, “đại công trình” cao tốc Bắc - Nam là kỳ vọng của tất cả mọi người. Nhưng, thiếu đất làm nền đường thì đương nhiên tiến độ thi công sẽ chậm lại và như thế kỳ vọng cũng lại dần bỏ chúng ta mà đi.

Đất đổ nền khan hiếm và bị đẩy giá lên cao đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công của nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Việt Hùng.

Trước đây, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân làm chậm tiến độ xây dựng cao tốc là do vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Nói rõ là giá đền bù các bên không thỏa thuận được nên nhà thầu, đơn vị thi công không đẩy tiến độ được. Điều đó có thể hiểu được, nhưng thật sự khó hiểu khi ngáng cản lại đến từ chỗ thiếu đất đổ nền đường. Hiện nhiều nhà thầu đang phải thi công cầm chừng vì thiếu vật liệu đất đắp, nếu có thì cũng phải mua của các chủ mỏ với giá “trên trời”.

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), có đến 6/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đang vướng chuyện này. Lý do chính là tổng trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp đang khai thác nhỏ hơn nhu cầu sử dụng của dự án.

Các dự án đều thiếu từ 1 triệu m3 đất trở lên. Trong đó “dẫn đầu” là tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu tới 5,5 triệu m3. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thì cái chính là do các địa phương liên quan không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu, dẫn đến các dự án có nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu đắp. Nói như đại diện Ban Điều hành gói thầu XL-03 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thì nếu đến tháng 4/2021 không có nguồn bù vào, việc thi công sẽ phải dừng lại, có khi là “vỡ trận”.

Từ chỗ các nhà thầu làm cao tốc thiếu hụt đất đắp nền, dẫn tới giá vật liệu bị “đội lên cao”. Đại diện một nhà thầu thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho biết, giá cát được tính trong dự toán khoảng 170.000-190.000 đồng/m3, nhưng hiện nhà thầu đang phải mua tại bãi là 270.000 đồng/m3, chưa kể phí vận chuyển.

Bộ GTVT cũng đã có nhiều công văn khẩn cấp gửi tới một số địa phương, đề nghị phối hợp giải quyết vấn đề này. Nhưng xem ra vẫn còn khó khăn. “Quả bóng” đang ở trong chân các địa phương nhưng họ vẫn chưa chịu “sút”.

Theo ông Võ Hoàng Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT, khi khảo sát thiết kế các dự án đường cao tốc Bắc - Nam đều khảo sát vị trí, trữ lượng, chất lượng các mỏ cung cấp vật liệu cho các dự án. Ông Anh nói, qua khảo sát không thiếu mà dư thừa cho cả các dự án khác. “Đất nước có 3/4 diện tích là đồi núi không có lý do gì để thiếu vật liệu. Chỉ thiếu ở những mỏ đang khai thác, còn mỏ đã quy hoạch chưa cấp phép thì không thiếu. Nhưng để khai thác một mỏ đang quy hoạch thì quy trình cần 6 tháng đến 1 năm” - vị này cho biết.

Thì ra, việc thiếu đất đắp, “đội giá” là do thủ tục kéo dài. Nói như ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình GTVT thì nếu các địa phương không gia hạn các mỏ đất đang khai thác và cấp mới các mỏ theo quy hoạch thì sẽ thiếu đất cho các dự án. Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Luật Khoáng sản quy định thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản như đất, đá thuộc UBND cấp tỉnh. Quy định thời gian cấp giấy phép khai thác mỏ mới trong 90 ngày và cấp phép tăng công suất mỏ là 45 ngày là khung tối đa. Về tối thiểu không ai cấm, nếu rút xuống 1 tuần, 1 tháng không ai phạt cả miễn là đủ thủ tục.

Thế là đã rõ, quyền là của UBND các tỉnh, nếu họ không chịu làm thì cũng khó có ai bắt họ phải làm được. Nhưng đó chỉ là nhắm tới lợi ích địa phương, cục bộ mà không nhận thấy trách nhiệm chung với đất nước. Một tuyến cao tốc hùng vĩ từ Bắc tới Nam cả nước trông chờ, cả nước hưởng lợi chẳng lẽ lại bị ngáng cản chỉ vì một vài địa phương loay hoay thủ tục.

Từ câu chuyện thiếu đất đắp nền cao tốc, lại nghĩ tới chuyện một số lĩnh vực khác, khi có quyền (hay nói đúng hơn là độc quyền) thì họ lại tìm cách “thao túng giá”. Ví như chuyện xăng dầu, kể từ tháng 11/2020 đến nay đã 7 lần tăng giá, trong khi Quỹ bình ổn kết dư rất lớn. Hay là chuyện giá điện, cứ rập rình tăng chứ không bao giờ thấy giảm. Xăng dầu, điện là những mặt hàng thiết yếu, không có không được nhưng người tiêu dùng không bao giờ có cơ hội “ý kiến” vào việc nâng giá cả. Thôi thì ngành điện, ngành xăng dầu “bắt phong trần phải phong trần”, hiện vẫn không có cách nào khác được.

Trên thực tế, quyền lợi cục bộ của ngành, của địa phương đã là lực cản ngáng trở sự vận hành đời sống xã hội. Đã đến lúc phải quyết tâm dỡ bỏ những lực cản này, tuy rằng đó là việc rất khó khăn vì động chạm đến quyền lợi. Mà tiếc thay, ở đời, ít người dám hy sinh quyền lợi riêng vì sự phồn thịnh chung lắm. Cách hành xử lạc hậu ấy cần phải được loại bỏ, nếu không tự giác thì rất cần đến sự ra tay của cấp có thẩm quyền, để thiên hạ cùng được “hưởng lộc” chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dỡ bỏ ngáng cản