Mùa tuyển sinh 2021, Trường ĐH Hoa Sen cho biết mở thêm 11 ngành mới, nâng tổng số ngành đào tạo lên 39.
Đại diện nhà trường cho biết, trong 11 ngành học mới, học phí ngành Răng-Hàm-Mặt là 180 triệu/năm; học phí ngành Dược học là 155 triệu/năm; học phí ngành Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật Y sinh khoảng 60 triệu/năm. Các ngành còn lại học phí dao động từ 50-70 triệu/năm. Mức học phí này có thể nói là cao, khiến cho những gia đình có mức thu nhập thấp sẽ thấy…choáng.
Trước đó, ở mùa tuyển sinh 2020, câu chuyện học phí ngành y đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Điển hình, ngành Răng - Hàm - Mặt hệ chất lượng cao của khoa Y, ĐHQG TP HCM là 88 triệu đồng/năm. Học phí ngành Y khoa chất lượng cao của khoa Y là 65 triệu đồng và 55 triệu đồng đối với ngành Dược học chất lượng cao.
Học phí Trường ĐH Y - Dược TP HCM cũng gây choáng, khi tăng cao nhất gấp 5 lần so với những khoá trước, lên mức 30 - 70 triệu đồng/năm, tùy từng ngành.
Còn tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, mức học phí bình quân tối đa là 24,6 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà.
Trong nhóm các trường tư có đào tạo chuyên ngành Y, Dược thì cá biệt đối với ngành Răng - Hàm - Mặt tại Trường ĐH Hồng Bàng, mức học phí lên tới gần 200 triệu đồng.
Tại khoa Y - Dược (ĐHQG Hà Nội), mức học phí các ngành trong năm học 2020 - 2021 là 14,3 triệu đồng. Riêng học phí ngành Răng - Hàm - Mặt hệ Chất lượng cao là 60 triệu đồng/năm. Trường ĐH Y tế Công cộng có mức học phí dao động từ 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm, tùy ngành…
Độ “cao” và sức “nóng” của học phí ngành y năm 2020 đã khiến Bộ GDĐT phải vào cuộc. Bộ này đã đề nghị Bộ Y tế xác minh vụ học phí trường y tăng gấp 5, qua đó cần cung cấp thông tin công khai cho xã hội và người học.
Cụ thể, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Y tế theo chức năng quản lý nhà nước có văn bản đề nghị Trường ĐH Y Dược TP HCM báo cáo, thuyết minh rõ căn cứ xác định mức thu học phí, lộ trình tăng học phí phù hợp và việc đáp ứng các điều kiện tự chủ của trường để được tự xác định mức học phí theo quy định của Luật giáo dục ĐH sửa đổi.
Vậy học phí ngành y tăng bao nhiêu, tăng đến đâu là hợp lý? PGS. TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói, học phí khối ngành y- dược quá thấp thì không thể đào tạo được nhân lực bậc cao và để sinh viên cạnh tranh trong khu vực. Đại diện nhiều trường khối ngành đào tạo sức khỏe thừa nhận, mức học phí khối ngành đào tạo sức khỏe ở các trường đại học hiện nay vẫn ở mức rất thấp so với các nước trên thế giới.
GS Nguyễn Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng, việc tăng học phí khối ngành y- dược là tất nhiên. Nhưng cơ sở thế nào thì cần có công trình chứng minh tăng bao nhiêu lần là phù hợp, sinh viên sẽ được tăng thụ hưởng cụ thể ra sao… Nếu cần thiết, cần thành lập nhóm giúp khảo cứu về điều này.
Còn theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), khi Luật yêu cầu công khai mức học phí từ khi tuyển sinh, thì việc một trường nào đó đặt ra mức học phí quá cao, không thuyết phục, không giải trình được… thì chắc chắn sẽ bị người học quay lưng.